Mẹ bé cho biết, vào ngày sốt thứ nhất, bé được đưa tới khám tại phòng mạch tư. Lúc đó bé được chẩn đoán có thể mắc sốt xuất huyết và chỉ định chích thuốc vào mông. Hôm sau bé vẫn còn sốt cao nên mẹ đưa tới khám tại cơ sở y tế tư nhân này và tiếp tục được chích thêm một mũi thuốc.
|
BSCKII Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Nhiễm và Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2, đang khám cho một bệnh nhi. Ảnh minh họa |
Hôm sau, bé sốt liên tục không hạ, li bì, nôn ói, tay chân lạnh. Lúc này gia đình vội đưa bé tới cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bị sốc sốt xuất huyết, mạch và huyết áp không đo được.
Bé gái đã được hồi sức, cho thở máy, truyền dịch chống sốc. Tới nay là ngày thứ 7 của bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhi đã qua cơn nguy hiểm.
BSCKII Đỗ Châu Việt khuyến cáo khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, tuyệt đối không được tiêm vào cơ, kể cả thuốc bổ.
Đối với bệnh sốt xuất huyết, tiểu cầu sẽ sụt giảm và có nguy cơ gây chảy máu khó cầm vào ngày thứ 3, thứ 4 (tính từ khi sốt). Trước thời điểm này, nếu tác động lên cơ thể như chích thuốc sẽ gây rách các mao mạch. Khi tiểu cầu sụt giảm, tại vị trí được chích sẽ hình thành cục máu đông lớn.
Các bác sĩ chuyên khoa nhiễm - nhi đã tiếp nhận nhiều trường hợp sốt xuất huyết nhập viện. Đáng lưu ý là các ca nặng có dấu hiệu gia tăng và nhiều trường hợp trẻ có thể trạng thừa cân béo phì, vô cùng nguy kịch.
BSCKII Đỗ Châu Việt khuyến cáo, khi nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết hãy đưa con tới bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị. Tuyệt đối không tiêm bất cứ thuốc gì, không đưa trẻ đi truyền dịch, cắt lể…
Khi trẻ hay người nhà có các dấu hiệu bứt rứt hoặc li bì, nôn ói nhiều, đau bụng ngày càng tăng, chảy máu nhiều nơi và lâu cầm máu, tiểu ít,… cần đưa đến bệnh viện ngay; chờ lạnh, tím tay chân hay tái môi thì đã muộn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cảnh báo nguy cơ dịch sốt xuất huyết lan rộng: