Lịch thi Đại học, tốt nghiệp THPT cận kề, sĩ tử cả nước đang cố gắng ôn luyện để có kết quả như mong muốn. Để tiếp sức cho con “chạy nước rút”, ngoài chú trọng chế độ dinh dưỡng, không ít bố mẹ mua thuốc tăng cường trí nhớ cho con sử dụng. Vậy nhưng, chuyên gia đánh giá cách làm này rủi ro có thể nhiều hơn lợi ích đạt được.
Trang Bachmai.gov.vn dẫn lời PGS.TS. BS Trần Hữu Bình (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) từng cho biết, không có loại thuốc nào được chứng minh có khả năng tăng cường trí nhớ, có chăng chỉ là thuốc dùng để điều trị bệnh suy giảm trí nhớ, không có tác dụng với người bình thường.
Do vậy, tự ý sử dụng thuốc tăng cường trí nhớ cho sĩ tử không khác nào “ném tiền qua cửa sổ”.
|
Ảnh minh họa: Getty |
Ngoài việc không mang lại hiệu quả tăng cường trí nhớ với người khỏe mạnh, lạm dụng thuốc bổ não còn mang tới nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Thuốc có thể ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa hoặc các cơ vận động.
Thực tế, khá nhiều người sử dụng Modafinil với mong muốn cải thiện trí nhớ, tăng khả năng nhận thức. Theo Scientificamerican, có rất nhiều chất mang lại tác dụng tăng tỉnh táo, tập trung song chỉ có modafinil vượt qua được các kiểm tra nghiêm ngặt. Modafinil được dùng kê đơn ở Mỹ từ năm 1998 để điều trị tình trạng liên quan đến giấc ngủ như chứng ngủ rũ, ngưng thở khi ngủ, giúp tăng cường tỉnh táo giống như caffein.
Modafinil có thể tăng cường chức năng nhận thức song hiện các chuyên gia không hoàn toàn chắc chắn về cách thức hoạt động của nó lẫn những tác động lâu dài với sức khỏe não bộ.
Ngay cả Modafinil – thuốc vượt qua được những bài kiểm tra thì việc sử dụng chúng cũng cần được bác sĩ kê đơn, không thể tùy tiện sử dụng để tăng cường trí nhớ trong thời điểm “chạy nước rút” trước kì thi quan trọng bởi rủi ro nó mang lại đôi khi lớn hơn lợi ích trước mắt.
Trang Scientificamerican.com cho biết, các loại thuốc tăng cường nhận thức có thể gây ra những rủi ro đặc biệt đối với bộ não đang phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên. Một số thử nghiệm lâm sàng cho thấy, modafinil an toàn khi dùng cho trẻ em mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), nhưng các thử nghiệm chỉ kéo dài vài tháng.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Delaware và Đại học Drexel lo ngại sử dụng các loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến khả năng thích ứng với các tình huống mới của bộ não đang phát triển, có khả năng gây nghiện. Modafinil cũng có tác dụng phụ là gây mất ngủ, nhức đầu và đau bụng ở một số người dùng.
Hiệu quả thuốc tăng cường trí nhớ với người khỏe mạnh là chưa có cơ sở, vậy nhưng không ít người vẫn lùng mua các loại thuốc này. Một lý do chính là uống thuốc sẽ dễ dàng hơn là thay đổi lối sống lâu dài.
Do vậy, thay vì chạy theo niềm tin không có cơ sở, để vượt qua mùa thi căng thẳng, sĩ tử nên đầu tư vào chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, tập thể dục đúng cách. Duy trì thói quen sinh hoạt khoa học sẽ giúp ích sức khỏe não bộ về lâu dài hơn bất kỳ viên thuốc “thông minh” nào.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Kỳ thi đại học tại Trung Quốc khắc nghiệt nhất trên thế giới