Nghiên cứu chỉ ra hai con đường chính vi nhựa "xâm nhập" vào cơ thể con người, bao gồm việc chúng ta nuốt và hít phải.
Theo trang WebMD, vi nhựa đã được xác nhận tìm thấy trong máu, mô phổi, ruột kết, nhau thai, phân và sữa mẹ,...
Một nghiên cứu trước đó cho rằng, chúng ta có thể tiêu thụ tới 5 gram nhựa mỗi tuần từ thực phẩm, nước và một số sản phẩm tiêu dùng nhất định.
"Đánh giá rủi ro của hạt vi nhựa với sức khỏe, chúng ta phải đặt câu hỏi: Vật liệu nguy hiểm như thế nào?", Flemming Cassee, Tiến sĩ, Giáo sư về đường hô hấp tại Đại học Utrecht ở Hà Lan và là đồng tác giả của một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết.
Tiến sĩ Cassee nói thêm, để xác định mức độ của những rủi ro này, chúng ta cần biết mức độ chúng ta tiếp xúc cũng như sự hiện diện vật lý của hạt vi nhựa trong cơ thể, cấu tạo và những gì nó mang theo.
Điều gì khiến hạt vi nhựa trở nên nguy hiểm?
Tiến sĩ Hanna Dusza đến từ Viện Khoa học Đánh giá Rủi ro tại Đại học Utrecht, cho biết có hơn 10.000 loại hóa chất khác nhau, được sử dụng để thay đổi các đặc tính vật lý của nhựa - làm cho nó mềm hơn, cứng hơn hoặc dẻo hơn. Khi nhựa phân hủy và trở thành vi nhựa, những hóa chất này có thể vẫn còn.
Theo Tiến sĩ Dusza, nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng vi nhựa lọc các hóa chất này cục bộ trong các mô của con người hoặc các khu vực tích tụ khác. Khoảng 2.400 trong số 10.000 chất phụ gia hóa học được phân loại là chất có khả năng gây lo ngại, đáp ứng các tiêu chí của Liên minh Châu Âu về tính bền bỉ, tích lũy sinh học hoặc độc tính.
Nhiều hóa chất trong số này cũng hoạt động như các hợp chất gây rối loạn nội tiết khi chúng xâm nhập vào cơ thể.
|
Ảnh minh họa: SCMP. |
Tiến sĩ Heather Leslie, nhà nghiên cứu cấp cao tại Khoa Môi trường và Sức khỏe của Đại học Vrije (Hà Lan), giải thích, đối với cơ thể bạn, một số chất phụ gia hóa học trong nhựa giống với kích thích tố, do đó cơ thể sẽ phản ứng lại. Đôi khi, ngay cả một liều lượng thấp của một số chất phụ gia này cũng có thể gây ra những tác dụng không mong muốn.
Ví dụ, Bisphenol A (BPA) là một trong những chất gây rối loạn nội tiết phổ biến hơn. Nó được sử dụng như một chất phụ gia để làm cho nhựa cứng hơn và có thể được tìm thấy trong bất kỳ sản phẩm nhựa nào, song các đồ dùng được quan tâm là chai nước bằng nhựa, bình sữa trẻ em và lớp phủ bảo vệ trong thực phẩm đóng hộp.
BPA có thể "bắt chước" estrogen, hormone sinh dục nữ cần thiết cho quá trình sinh sản, phát triển thần kinh và mật độ xương. Ở nam giới, estrogen điều chỉnh số lượng tinh trùng, ham muốn tình dục và chức năng cương dương.
Phơi nhiễm BPA có liên quan đến - nhưng chưa được chứng minh là gây ra - nhiều loại ung thư, ADHD, béo phì và số lượng tinh trùng thấp. Chuyên gia Dusza cho biết hầu hết mọi người đều có một lượng BPA lưu thông trong máu, nhưng vi hạt nhựa có thể giữ lại BPA khi chúng phân hủy, có khả năng làm tăng mức độ phơi nhiễm của chúng ta, dẫn đến những hậu quả không mong muốn.
Và BPA chỉ là một trong số 2.400 chất “có thể gây lo ngại” đó.
Một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn lớn hơn có thể xuất hiện từ cơ thể chúng ta một lần nữa khi thực hiện những gì phải làm khi hạt vi nhựa "xâm nhập". Các hạt có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch khi chúng xâm nhập vào máu của bạn, theo giải thích của Nienke Vrisekoop, Tiến sĩ, trợ lý giáo sư tại UMC Utrecht ở Hà Lan.
Các tế bào bạch cầu không gặp vấn đề gì khi phá vỡ những thứ như vi khuẩn, nhưng vi nhựa không thể bị phân hủy. Khi một tế bào bạch cầu hấp thụ một khối lượng vi nhựa nhất định - có thể là nhiều hạt nhỏ hoặc một hạt lớn đơn lẻ - nó sẽ chết, giải phóng các enzym của nó và gây viêm cục bộ.
Trong khi đó, hít phải hạt vi nhựa có thể dẫn đến các bệnh về đường hô hấp và ung thư.
Vi hạt nhựa cũng có thể hấp thụ các chất có hại và đưa chúng vào cơ thể bạn.
Chuyên gia Dusza nói: "Khi ở trong môi trường, về cơ bản chúng (hạt vi nhựa) có thể hút (hóa chất) như một miếng bọt biển. Những hóa chất này được biết đến là chất gây ô nhiễm môi trường, như thuốc trừ sâu, hợp chất flo hóa, chất chống cháy, v.v. Khi vào cơ thể, các hóa chất này có thể được giải phóng, có khả năng dẫn đến ung thư, viêm mãn tính hoặc các tác dụng phụ chưa biết khác".
>>> Mời độc giả xem thêm video: 70% bệnh nhân ung thư gan được phát hiện muộn