Tôi và chồng cưới nhau khi cả hai mới ra trường vì tôi lỡ dính bầu. Thời điểm đó, chúng tôi còn tay trắng, mới chân ướt chân ráo đi làm. Sau khi cưới, vì thương con, bố mẹ bảo vợ chồng tôi về ở cùng, đỡ được khoản tiền nhà, tiền ăn uống ông bà cũng hỗ trợ thêm.
Nhà tôi tuy không giàu có, ở thời điểm khó khăn, tôi nghĩ có chỗ ở là may. Nhà lại gần chỗ tôi làm, rất thuận tiện. Còn anh quê ở miền núi, hoàn cảnh khó khăn nên không thể hỗ trợ gì về kinh tế.
Lúc đầu, tôi sợ chồng ngại không chịu ở rể. Không ngờ, vừa nghe đề nghị của bố mẹ vợ, anh ấy vui vẻ đồng ý. Anh nói bố mẹ vợ cũng như bố mẹ mình, có gì đâu mà ngại.
Nhờ có ông bà ngoại bao bọc, trông nom con cái, những năm tháng đầu tiên tưởng khó khăn cũng nhẹ nhàng qua đi.
Bố mẹ, con cái ở cùng nhau, có gì ăn nấy. Biết con còn khó khăn, bố mẹ tôi chưa từng hỏi chuyện tiền nong. Thỉnh thoảng để dành được chút ít, tôi đưa mẹ thêm tiền chợ nhưng mẹ không lấy, bảo cất mà mua sữa cho con.
Tôi kinh ngạc và thất vọng khi biết lý do chồng chỉ muốn ở rể, không ra riêng (Ảnh minh họa: Shutterstock).
Chồng tôi nhờ có năng lực, lại chịu khó học hỏi, gặp đúng công ty coi trọng người tài nên có cơ hội phát triển. Thu nhập nhờ đó cũng tăng lên đáng kể.
Dần dần, vợ chồng tôi góp tiền sinh hoạt hàng tháng cho ông bà đều đặn. Tôi còn chủ động mua sắm các vật dụng thiết yếu trong nhà. Nhà cửa cần sữa chữa, cơi nới chỗ nào, tôi cũng bỏ tiền thuê thợ.
Những việc đó tôi đều bàn bạc với chồng và được anh đồng ý. Anh luôn nói "Nhà ông bà cũng như nhà mình, em thấy cần làm gì thì cứ làm". Thấy con rể hào phóng, bố mẹ tôi rất tự hào, đi đâu cũng khoe có chàng rể thảo, "số được nhờ con gái".
Nhà bố mẹ tôi vốn không rộng rãi. Phòng vợ chồng tôi ở trước là phòng của tôi và em gái. Từ khi tôi lấy chồng, em gái nhường phòng cho anh chị. Bố mẹ kê cho em một chiếc giường nằm cạnh bàn học ở gian ngoài.
Năm vừa rồi, em gái thi đại học. Em đã lớn, tha thiết có một phòng riêng. Có lẽ vì thế, mẹ thủ thỉ với tôi về chuyện chúng tôi nên ra riêng cho thoải mái.
Mẹ nói, trước đây vì chúng tôi khó khăn nên bố mẹ muốn ở chung để đỡ đần. Giờ kinh tế vững vàng, con cũng đã lớn nên sinh thêm đứa nữa. Nếu cứ ở đây thì quá chật chội, trong khi em gái lớn cần không gian riêng.
Tôi đem đề nghị của mẹ nói với chồng, không ngờ phản ứng của anh khiến tôi kinh ngạc. Anh bảo 7 năm nay vẫn sống như vậy, mọi thứ đều tốt, sao giờ phải ra riêng?
7 năm qua, chúng tôi đã bỏ ra bao nhiều tiền bạc để mua sắm, sửa chữa nhà, giờ đi thì như thế nào? Chẳng lẽ mang theo những gì mình đã sắm?
Nói đi nói lại, hóa ra ý của anh là: Nhà tôi chỉ có hai cô con gái, em gái tôi sẽ đi lấy chồng, đằng nào cũng nên có một người ở lại đây. Tôi là chị cả nên ở đây để chăm sóc ông bà khi về già. Vậy việc gì phải bỏ một đống tiền mua nhà, trong khi tiền đó có thể làm ăn, đầu tư sinh lời?
Bao năm nay, tôi cứ nghĩ chồng mình hào phóng, hóa ra anh đã có toan tính. Cái câu anh hay nói "Nhà bố mẹ cũng là nhà mình" thực ra là hiểu theo nghĩa đen chứ không phải nghĩa bóng.
Thời gian đầu, tôi ngạc nhiên vì tính chồng tôi hơi chắt bóp, ki bo nhưng với nhà vợ lại thoải mái trong việc mua sắm. Tôi tưởng anh biết ơn bố mẹ vợ đã giúp mình trong giai đoạn đầu khó khăn nên như vậy. Không ngờ anh chịu bỏ tiền ra là vì tư tưởng "trước sau gì cũng là của mình".
Hiểu rõ những toan tính của chồng, tôi vừa thất vọng, vừa xấu hổ. Thời điểm khó khăn, bố mẹ lo lắng cho con cháu không hề suy nghĩ. Vậy mà chồng tôi bỏ tiền ra mua gì trong nhà cũng đều ghi nhớ.
Anh lại còn tính xa đến việc chúng tôi sẽ ở đây, chăm nuôi bố mẹ khi về già, sau này hưởng thừa kế căn nhà này. Tôi thật sự không còn lời nào để nói.
Mấy hôm nay, mẹ hỏi tôi đã bàn bạc với chồng chưa? Tôi ngại ngùng bảo để chúng con từ từ tính. Nhưng tôi không biết thuyết phục chồng thế nào để ra riêng mà mọi người cùng vui vẻ.
Tôi chỉ sợ bố mẹ tôi biết những suy nghĩ thực dụng của con rể sẽ cảm thấy buồn lòng.