Nhiều gia đình có thói quen nằm, ngồi trực tiếp lên sàn gỗ sau khi vệ sinh vì cảm giác sạch sẽ và mát mẻ về mùa hè, ấm áp khi mùa đông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu khâu vệ sinh không đúng cách có thể khiến sàn gỗ thành một ổ vi khuẩn, nấm mốc, ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Chống mốc từ gỗ đến phụ gia
Trong vai một người cần lắp sàn gỗ cho căn nhà mới, chúng tôi đã nhận được nhiều lời giới thiệu bán hàng với sản phẩm có nhiều chức năng như chống nước, chống co ngót... còn có thêm khả năng chống nấm mốc. Theo chị Hà, người bán hàng ở phố Thanh Nhàn (Hà Nội), sàn gỗ của cửa hàng chị có xuất xứ liên doanh Malaysia, có khả năng chống ẩm mốc, vi khuẩn do sử dụng công nghệ mới, giúp căn nhà luôn sạch sẽ, an toàn, trẻ em có thể lăn bò trên sàn mà không sợ nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, khi hỏi nhà sản xuất sử dụng công nghệ gì thì chị không thể trả lời được.
Theo TS Nguyễn Quang Cung, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, hiện có nhiều loại sàn gỗ được quảng cáo có khả năng chống nấm mốc, vi khuẩn, nhưng người tiêu dùng cần tỉnh táo lựa chọn.
Cụ thể, vị chuyên gia này phân tích, để chống nấm mốc vi khuẩn thì điều quan trọng chính là khâu chống ẩm cho sàn gỗ. Trong đó, có thể theo nhiều phương pháp, công nghệ chống ẩm nhưng chủ yếu dựa trên hai vấn đề. Một là, gỗ cần được xử lý lấy chất lectin, chính là nhựa cây, trong gỗ một cách triệt để. Đây là chất có khả năng hút ẩm của gỗ, khi không còn chất này, sàn gỗ không hút ẩm nữa thì sẽ không sản sinh nấm mốc, vi khuẩn.
Trường hợp không xử lý hết nhựa cây, dù sàn gỗ đã được sấy khô như thế nào, sau này cũng sẽ hút ẩm, từ đó khiến sàn dễ mốc và hư hỏng nhanh. Phương pháp thứ hai được áp dụng là nhà sản xuất cho thêm phụ gia chống nấm mốc thông qua các cơ chế chống ẩm, chống nấm mốc...
|
Ảnh minh họa. |
Chống nấm mốc sau khi sử dụng
Đồng quan điểm, KS Nguyễn Dũng, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, các chất chống nấm mốc có thể có trong sàn gỗ có thể gây độc hại như formandehyt, PCP... Trong đó, PCP thuộc gốc phenol, là một trong các thành phần của Dioxin. Ngoài ra, người ta còn dùng các chất khác để ngâm tẩm gỗ trước và sau khi xử lý để tạo nên lớp màng chống nấm mốc, đặc biệt là mốc xanh đồng thời cũng giúp gỗ tươi và sáng màu hơn...
“Dù bằng công nghệ hay phương pháp gì, khi được quảng cáo sàn gỗ có khả năng chống nấm mốc, vi khuẩn người tiêu dùng cũng cần cảnh giác, tìm hiểu và đòi hỏi giấy chứng nhận hoặc phương pháp thử. Điều này tránh tình trạng họ sử dụng các phụ gia gây độc hại”, TS Nguyễn Quang Cung nhấn mạnh.
Ngoài ra, dù là sàn gỗ loại nào, để chống nấm mốc cần sử dụng hợp lý của người tiêu dùng. Như lựa chọn vị trí lát sàn gỗ hợp lý. Như khu vực nhà thường ẩm thấp là tầng một, khu vực bếp... cần cân nhắc có nên lát hay không, khi dùng cần hạn chế sàn bị thấm nước... Sau thời gian sử dụng sàn có thể xuất hiện các kẽ hở giữa các mối nối, mạch, hèm khóa do quá trình co giãn của gỗ tạo thành nơi chứa bụi bẩn. Nếu không xử lý sạch sẽ, các khe hở này sẽ sinh ra vi khuẩn, nấm mốc từ đó phát tán đến không gian sinh hoạt của gia đình.
Đặc biệt, gia đình có thói quen nằm, ngồi thẳng lên sàn gỗ, hoặc để trẻ em trườn bò trên sàn nhà thì nhiễm bẩn càng dễ gặp hơn. Để chống nấm mốc do khe kẽ này, ngoài việc cần thay thế tấm sàn bị co giãn để đảm bảo thẩm mỹ, vệ sinh còn có thể dùng phương pháp phủ kín.
“Khi sàn gỗ có khe hở lớn, cần thay thế tấm sàn khác, nhưng nếu khe hở nhỏ có thể dùng phương pháp phủ kín. Ví dụ như dùng nến nghiền nhỏ rắc lên khe, nhiệt độ sẽ khiến nến tan ra và lấp kín kẽ hở. Sử dụng keo dán có thành phần nhựa để dán. Loại kẹo này thường có đặc tính lỏng, chống chảy nhão, khô nhanh”.
KS Nguyễn Dũng