“Nhiều trường hợp bị nhiễm trùng, bội nhiễm nang, phá hủy khớp cũng do bệnh nhân… biết tuốt, tự làm bác sĩ” - BS Phạm Thế Hiển - khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Nguyễn Tri Phương nói.
Rải rác khắp cơ thể có thể xuất hiện những khối u như nang hoạt dịch, bướu bã, bướu mỡ… Trước đây, do thiếu hiểu biết, bệnh nhân thường tự ý chích lể, đắp lá, củ… và khi xảy ra biến chứng mới tìm đến bác sĩ.
Ngày nay, nhiều người có kiến thức nên thấy xuất hiện khối u liền tới bệnh viện khám, tầm soát. Tuy nhiên, sau khi được thông báo khối u lành tính, họ lại cư xử “thô bạo”, khiến khối u hóa dữ.
|
Khi bướu gây đau, nhiễm trùng hoặc tăng kích thước… có thể can thiệp bằng phẫu thuật. Một trường hợp bướu bã bị nhiễm trùng - Ảnh chụp tại BV Ung Bướu TP.HCM. |
Nhiễm trùng vì lể, nặn
Mới đây, BV Nguyễn Tri Phương tiếp nhận bệnh nhân V.T.T. (ngụ Tiền Giang) trong tình trạng sốt cao, ngón tay sưng, tụ mủ, đau nhức dữ đội, tím đen. BV phải mổ cấp cứu với hy vọng cứu cả ngón, nhưng do một phần đốt đã hoại tử nên phải cắt bỏ.
Theo lời kể người nhà, cách đây một năm, trên đốt ngón tay T. xuất hiện khối u. Đi khám, bác sĩ cho biết đó là nang hoạt dịch, lành tính. Tuy nhiên, thấy khối u vướng víu, khó cử động ngón, T. đã nghe theo hướng dẫn của một thầy lang dùng cách chích lể, đắp lá với hy vọng “rụng” khối u.
Sau đó, chỗ khối u bị tụ mủ, theo thói quen T. dùng tăm xỉa răng chọc chỗ sưng để lấy mủ. 10 ngày sau, vết thương không khỏi mà lan khắp cả ngón tay.
Trường hợp bệnh nhân Thạch L. (27 tuổi, ngụ Sóc Trăng) là khối u ở cổ. L. đến khám tại BV Ung Bướu TP. HCM và được chẩn đoán bướu bã, lành tính, không cần điều trị. Hai năm sau, L. khó chịu với khối u và sợ bạn gái chê vì khối u mọc ở vị trí “vô duyên” nên tìm đến thầy lang gần nhà để trị.
Sau một tháng được thầy dùng nhang đốt và phun rượu, khối u bị tấy. L. mua thuốc về uống nhưng tình trạng đau nhức không giảm. Không chịu nổi đau nhức, L. đến bệnh viện tỉnh khám thì được chẩn đoán nhiễm trùng và đề nghị L. chuyển đến bệnh viện chuyên khoa ung bướu.
Theo thống kê, mỗi năm BV Nguyễn Tri Phương tiếp nhận khoảng 20 ca hoại tử, nhiễm trùng, viêm khu trú vì những vết thương nhỏ. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân thiếu hiểu biết về bệnh đã giảm, thay vào đó, số bệnh nhân hiểu biết nhưng vẫn tự ý điều trị bệnh lại cao hơn. Bởi họ nghĩ khối u lành tính, không nguy hiểm đến tính mạng, nên có thể tự ý “cắt, xẻ”.
|
Ngón tay bị nhiễm trùng do chích lể nang hoạt dịch. |
Lành nhưng không được ẩu
Có đến 70% bệnh nhân ở độ tuổi từ 20-40 xuất hiện một loại “khối u” lành tính là nang hoạt dịch. Đây là loại “hột” khá phổ biến, mọc gần các khớp có gân đi qua như cổ tay, khớp gối, cổ chân, mu bàn chân...
“Hột” này là một túi chứa dịch (dịch bên trong không màu, trong, sệt, giống như lòng trắng trứng). Kích thước bằng hạt đậu hay to bằng viên bi ve, không di động, có thể thay đổi theo thời gian. Tùy theo kích thước và khối lượng dịch trong túi mà khối u có sờ thấy chắc hay mềm, đau hay không đau.
BS Phạm Thế Hiển cho biết, không cần điều trị nang hoạt dịch, chúng có thể tự mất đi. Chỉ những trường hợp nang nằm gần các cấu trúc thần kinh, mạch máu, khi nang to chèn ép các cấu trúc này sẽ gây đau, tê tay, ảnh hưởng đến cuộc sống mới cần phải lấy nang ra.
Hiện có hai phương pháp điều trị như dùng kim chọc hút và tiểu phẫu. Phương pháp dùng kim chọc hút có thể làm xẹp nang, tuy vậy, chỉ lấy dịch trong nang chứ không lấy hết bao nang, khiến nang dễ tái phát (tỷ lệ tái phát là 50%).
Phương pháp tiểu phẫu giúp lấy được nang và có thể phá hủy cấu trúc bao nang, tỷ lệ tái phát ít. Tuy nhiên, nếu không đến bệnh viện chữa trị mà tự làm bác sĩ, nang sẽ sưng tấy, đau nhức, nặng thì bội nhiễm và lan vào các khớp.
Khoa Chấn thương chỉnh hình BV Nguyễn Tri Phương thỉnh thoảng cũng tiếp nhận một vài trường hợp nang hoạt dịch bị tai biến do bệnh nhân tự làm bác sĩ.
Cơ thể cũng thường xuất hiện “khối u” lành tính là bướu bã do tuyến bã ở lỗ chân lông bị tắc, tích tụ mà thành. Bướu bã có cấu tạo bởi lớp vỏ bọc, bên trong là chất bã mềm, màu vàng nhạt hoặc vàng đục.
Bướu thường mềm, nổi trên mặt da, không đau và di động. Vị trí xuất hiện là nơi hay tiết mồ hôi như vùng da mặt, cổ, vai, lưng… Bướu mới xuất hiện nhỏ, ngày càng lớn, không đau nhưng dễ gây cảm giác cấn, khó chịu hoặc tấy đỏ khi nhiễm trùng. Đây là một dạng u lành tính, không phát triển thành ác tính.
Ngoài ra còn có bướu mỡ, đây cũng là loại bướu thường gặp, xuất hiện ở dưới da và bất kỳ chỗ nào trên cơ thể, nhất là những nơi có nhiều mỡ như bụng, ngực, mặt trong của đùi. Bướu mới mọc thường nhỏ, đường kính chỉ vài mi-li-mét, sau thời gian có thể lớn tới 10-15cm.
Có thể xuất hiện một bướu hoặc nhiều bướu nhưng đều lành tính, không gây khó chịu, chỉ đau khi có hiện tượng viêm. BS Trần Nguyên Hà - Trưởng khoa Nội 4, BV Ung Bướu TP.HCM cho biết, dù là lành tính nhưng bệnh nhân không được tự ý can thiệp vì tai biến của các khối u lành tính này không thua gì khối u ác tính.
Chẳng hạn như bướu bã là loại bướu cần phải giữ gìn vệ sinh thật kỹ. Dù bệnh nhân không chích, lể nhưng chỉ cần đắp lá, có thể khiến khối u bị bội nhiễm vi trùng, vi khuẩn, biến thành ổ áp xe (tụ mủ).
Một khi ổ áp xe không được điều trị sớm sẽ càng lan rộng và sâu vào các vùng xung quanh, gây áp xe gan, cơ hoành, cơ thắt lưng, chậu… Đặc biệt, nếu nhiễm trùng lan vào máu, sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Hiện tại chưa có biện pháp nào giúp ngăn chặn xuất hiện bướu mỡ, bướu bã hoặc làm chúng nhỏ lại, nên việc đắp lá, chích lể với hy vọng xóa bỏ khối u là phản khoa học. Nếu bướu nhỏ, không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt, sẽ không cần can thiệp.
Ngược lại, nếu bướu xuất hiện ở những nơi mất thẩm mỹ như mặt, cánh tay, cổ… hoặc gây đau, nhiễm trùng hoặc tăng kích thước, có thể can thiệp bằng tiểu phẫu. Thời gian tiểu phẫu chỉ khoảng 10-20 phút, sau đó bệnh nhân về nhà, sinh hoạt bình thường.