Ấu tẩu tăng cường bản lĩnh đàn ông?
Trong y học dân tộc, ấu tẩu (còn gọi là củ phụ tử, củ ấu tàu...) có công dụng trợ dương bổ hỏa, trừ phong, táo thấp. Cách dùng để chữa phong tê thấp chân tay, tê bại... hay dùng để nấu món cháo ấu tẩu, mà nhiều người đùa nhau gọi là "cháo độc".
Người Mông coi cháo ấu tẩu là món ăn bài thuốc chữa gân cốt, giảm đau xương khớp, nhức cơ, ung nhọt… hiệu quả. Cháo ấu tẩu là món thường ăn đêm, bà con hay ăn trước khi ngủ vài giờ cho dễ ngủ, để không thức dậy lúc nửa đêm. Kinh nghiệm của bà con là ăn cháo buổi tối để có tác dụng tốt nhất qua giấc ngủ đêm.
Còn khách du lịch thì tới vùng cao đã mệt mỏi, nhiều chị em còn say xe nên thích ăn cháo ấu tẩu để sớm hồi phục sức khỏe.
Tại Hà Giang, người ta hay dùng củ ấu tẩu để nấu cháo, món cháo ấu tẩu được coi là đặc sản giúp tăng cương sinh lực nam giới. Và người vùng xuôi đã truyền tai nhau là cháo độc, rượu độc từ ấu tẩu còn giúp cải thiện bản lĩnh phòng the của của các quý ông nên cứ cuối thu và suốt mùa lạnh nhiều người tìm lên vùng núi cao Tây Bắc để ăn cháo ấu tẩu, sắm bình rượu "độc" về xuôi.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thuần, Phó giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam thông tin trên báo chí: "Ấu tẩu được sử dụng rất rộng rãi, đặc biệt được sử dụng trong bài thuốc "Bát vị quế phụ". Tác dụng của củ ấu tàu cũng đã được ghi trong các sách cổ. Tác dụng chính của ấu tàu có thể sử dụng trong bài thuốc bổ dương".
Nhưng cả cháo ấu tẩu, rượu ấu tẩu phải là người chế biến dày dặn kinh nghiệm mới đạt độ an toàn và phát huy hết được tác dụng bồi bổ. Khi dùng ấu tẩu phải đúng y lệnh, liều lượng nhỏ, và có sự theo dõi của bác sĩ.
Lý do là vì cây ấu tẩu tất cả bộ phận đều chứa độc, phần củ tích nhiều nhất. Ăn phải củ ấu tẩu sống ngay lập tức bị tê lưỡi, tứ chi tê cứng, nghẽn mạch máu, chuột rút, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy, loạn nhịp tim… thậm chí là tử vong. Một số bệnh viện y tế vùng cao đã cấp cứu cho người dùng nhầm rượu ấu tẩu.
|
Nhiều người rỉ tai nhau cháo, rượu ấu tẩu giúp tăng cường bản lĩnh đàn ông. Ảnh minh họa.
|
Cách chế biến cháo ấu tẩu đúng điệu Tây Bắc
Bí quyết hóa giải độc tính của ấu tẩu được bật mí là ngâm kỹ ấu tẩu trong nước vo gạo đặc một đêm. Xả sạch rồi đem ninh tới khi mềm, bở tơi thành thứ bột đặc sền sệt thì ninh tiếp với nước xương hầm chân giò, gạo.
Gạo nấu cháo ngoài gạo tẻ phải có nếp nương của đồng bào dân tộc mới đủ quánh, dẻo, thơm, cho vào hầm cùng chân giò lợn cắp nách tiếp trong 4 giờ… trên bếp liu riu để hỗn hợp trở nên mềm, sánh, không bị cháy bén, và lúc nào cũng giữ cho bốc hơi lục sục.
Người Mông không nấu cháo ấu tẩu bằng nồi hầm, nồi áp suất vì áp suất làm củ ấu tấu nhanh nhừ trong khi độc tố chưa kịp phân hủy hết. Nếu họ không ninh bằng bếp gas, bếp điện được thì dùng nồi cơm điện.
|
Món cháo độc - thuốc quý đặc sản Hà Giang. Ảnh minh họa.
|
Muốn biết cháo ấu tẩu ăn được chưa thì cách duy nhất là người nấu phải… nếm cháo thử. Khoảng vài phút sau khi nếm nếu thấy đầu lưỡi tê cứng là chưa hết độc tố. Nếu không sao thì có thể bán cho khách.
Ai từng đi cả chặng đường xa đến Hà Giang và các tỉnh miền núi Tây Bắc được ăn bát cháo ấu tẩu mới thấy tác dụng hồi phục sức khỏe đặc biệt nhanh của nó. Bát cháo ấu tẩu sánh dẻo múc ra, đập thêm quả trứng gà, chút nạc thăn băm nhỏ, rắc tiêu ớt, hành, mùi và tía tô vào trộn lên là thơm nức mũi, ăn vào giải cảm lạnh và mệt mỏi rất nhanh. Màu tô cháo hơi nâu, dẻo quánh, vị đắng như tam thất, ngai ngái, bùi bùi quyện lẫn vị ngọt nước xương hầm tạo hương thơm lạ miệng đầy hấp dẫn. Ăn xong bát cháo ấu tẩu thấy ngay cơ thể sảng khoái, khỏe khoắn, đầu óc minh mẫn trở lại, nhanh nhẹn, hào hứng như chưa hề sụt năng lượng.
Hiện cháo ấu tẩu đã về Hà Nội, vào Nam theo bước chân người Hà Giang đi khắp nơi, nhưng ở đâu ôm tô cháo ấu tẩu cũng thấy không ngon, không khoái bằng vùng núi Tây Bắc, vừa lạnh lẽo, hoang sơ vừa xuýt xoa xúc từng thìa cháo, nếm chút rượu ngô mềm môi – làm nên nét đặc sắc thú vị tối quan trọng của người dân xứ ruộng bậc thang.
Những lưu ý đặc biệt khi dùng rượu ấu tẩu
Ấu tẩu còn được bà con ngâm rượu, nhưng các bệnh viện miền núi đều từng chữa cho các bệnh nhân nhập viện cấp cứu khẩn cấp sau khi uống rượu ngâm củ ấu tẩu, với biểu hiện chân tay co rút lại, người rét run, vã mồ hôi, kích thích, vật vã, tím tái toàn thân…
Vì thế, sử dụng củ ấu tẩu cần cần trọng để không nguy hiểm đến tính mạng. Không tin dùng ấu tẩu như lời đồn đoán, chỉ nên dùng một lượng nhỏ và theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc. Để tránh trúng độc ấu tẩu, người dân nên thận trọng, tìm hiểu kỹ trước khi chế biến, và sử dụng đúng theo y lệnh của bác sĩ.
|
Đã có nhiều ca cấp cứu vì uống nhầm rượu ấu tẩu. Sau khi ăn cháo ấu tẩu, hoặc uống rượu ấu tẩu mà thấy tê đầu lưỡi thì phải tới cơ sở y tế ngay. Ảnh minh họa.
|
Không ăn trực tiếp củ ấu tẩu vì có thể gây tử vong.
Những người có tình trạng âm hư, dương thịnh và phụ nữ có thai thì không nên dùng.
Sau khi ăn cháo ấu tẩu, hoặc uống rượu ấu tẩu mà thấy tê đầu lưỡi thì phải tới cơ sở y tế ngay.
Theo Wikipedia, củ ấu tàu, ấu tẩu, là rễ củ của cây Ô đầu, tên khoa học là Aconitum fortunei, thuộc họ mao lương Ranunculaceae được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A, nhưng cũng là một vị thuốc quý đứng thứ 4 trong "tứ đại danh dược" (sâm, nhung, quế, phụ) sau khi được bào chế cẩn thận.
Tên Phụ tử là do rễ củ hình nón, mọc thành chuỗi, có củ cái, củ con. Trong dược thư Việt Nam, củ nhỏ được gọi là phụ tử, còn củ lớn được gọi là ô đầu. Phụ tử có độc tính kém hơn ô đầu.
Chất độc của ấu tẩu chủ yếu là aconitin, có độc tính cao (bảng A), rất mạnh. Với 1 liều từ 1mg, có thể gây ngộ độc nặng. Còn đối với liều từ 2 – 3mg thì đủ làm chết 1 người trưởng thành. Người xưa từng dùng nước củ ấu tẩu tẩm vào đầu mũi tên khi săn thú dữ.
Nếu lỡ ăn sống hoặc chế biến không đúng cách thì độc tố ấu tẩu có thể làm cho người tê cứng chân tay, tắc nghẽn mạch máu, đông máu và chết.
Nếu biết cách sử dụng, đây cũng được coi là loại dược liệu có lợi cho sức khỏe.
Tây y dùng làm thuốc ho, chứng ra mồ hôi nhiều;
Đông y dùng ô đầu vị cay tê, tính rất nóng, rất độc, có tác dụng trợ dương bổ hoả, trừ phong hàn, táo thấp. Trong Đông y, ô đầu được dùng để chữa các chứng phong tê, chân tay nhức mỏi, tê bại.... Thuốc chỉ dùng khi đã qua chế biến cẩn thận, và dùng liều nhỏ theo y lệnh và được theo dõi thận trọng của thầy thuốc.