Phương pháp này không chỉ giúp khối u di căn gan hoại tử hoàn toàn với tỷ lệ cao (86,6%), mà còn giúp thời gian sống thêm không tiến triển bệnh tăng trung bình 21 - 24 tháng.
50 - 70% UTĐTT sẽ phát triển di căn gan
Ông Nguyễn Văn Hưng (67 tuổi ở Nam Định) sau phẫu thuật cắt bỏ UTĐTT 3 tháng thì phát hiện bị di căn gan. Điều đáng nói là không phải chỉ có một khối u ở gan mà ông có tới 5 u di căn ở cả hai phân thùy gan không thể phẫu thuật. Ông được chỉ định đốt nhiệt sóng cao tần vào các ổ di căn. Sau khi đốt kiểm tra định kỳ 3 tháng, khối u di căn của ông đã hoại tử hết.
TS Nguyễn Tiến Thịnh, Trưởng Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, UTĐTT có tỷ lệ mắc cao, đứng thứ 3 và thứ 4 về tỷ lệ tử vong ở cả hai giới. Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 8.700 ca mắc mới và 5.900 ca tử vong. Do đặc điểm giải phẫu hệ thống bạch mạch và tĩnh mạch của đại trực tràng đều đổ về gan, do vậy tỷ lệ di căn gan của UTĐTT rất cao. Khoảng 50 – 70% bệnh nhân UTĐTT sẽ phát triển di căn gan trong suốt quá trình bệnh. Di căn gan được coi là nguyên nhân chính gây tử vong chính trong bệnh này, nếu không được điều trị thì có tiên lượng rất xấu, thời gian sống thêm trung bình ít hơn 12 tháng.
|
ĐNSCT cho bệnh nhân di căn gan từ UTĐTT tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. |
Hoại tử u từ 32 – 100%
TS Nguyễn Tiến Thịnh cho hay, mặc dù phẫu thuật cắt bỏ tổn thương di căn gan được coi là phương pháp điều trị triệt căn và mang lại hiệu quả điều trị cao nhất nhưng chỉ 20 – 25% bệnh nhân di căn gan có chỉ định phẫu thuật. Để phẫu thuật, bệnh nhân phải đủ khả năng chịu đựng một cuộc phẫu thuật lớn, có gây mê và khả năng mất máu nhiều. Thể tích gan còn lại sau phẫu thuật, phải đảm bảo được chức năng, không gây suy gan. Các bệnh nhân không thể phẫu thuật được có thể lựa chọn: Hóa chất toàn thân và các phương pháp điều trị tại chỗ như hóa chất động mạch gan, tia xạ, ĐNSCT, tiêm ethanol, laser, tắc mạch... Trong đó, ĐNSCT là phương pháp an toàn và kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh.
BS Nguyễn Việt Long, Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết thêm, ĐNSCT - RFA là phương pháp hủy khối u bằng nhiệt gây ra do sự ma sát của các ion trong mô dưới tác động của dòng điện xoay chiều có tần số nằm trong khoảng sóng âm thanh (200 – 1.200MHz). Một điện cực được đặt ở trung tâm khối u và duy trì nhiệt độ phá hủy từ 60 - 100°C. Dòng điện từ máy được truyền vào khối u qua một điện cực dạng kim, dòng sóng radio được truyền vào đầu kim và sinh nhiệt. Nhiệt do ma sát làm khô mô xung quanh dẫn đến làm mất nước trong tế bào và hoại tử đông khối u. ĐNSCT có thể thực hiện bằng can thiệp qua da, trong nội soi ổ bụng, trong phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở bụng và có thể được áp dụng điều trị đơn thuần hoặc kết hợp với các phương pháp khác. Đường can thiệp trực tiếp khối u gan qua da hay được ưu tiên thực hiện vì ít xâm lấn nhất. Phương pháp này được áp dụng cho các khối u < 50mm.
Tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, ĐNSCT với hệ thống Cool-tip, kim điện cực có đầu dài chiều đốt khác nhau để phù hợp với từng kích thước u. Hệ thống đốt Cool-tip sử dụng kim đơn, kim đôi hoặc kim 3 điện cực tạo ra khả năng tiêu hủy nhiều khối u với các kích thước khác nhau, hình dáng khác nhau. Quá trình tiến hành kỹ thuật được theo dõi liên tục dưới siêu âm, hướng dẫn đường đi của kim đốt vào đúng vị trí thích hợp trong khối u. Khi tăng nhiệt độ đầu đốt của kim thì cũng xuất hiện một vùng tăng âm đám mây (RF) không chỉ bao trùm toàn bộ khối u mà lan rộng hơn ra rìa khối u 0,5cm. Vì vậy, không chỉ khối u bị hoại tử mà tề bào lành tiếp giáp vùng khối u cũng được điều trị để tránh cho các tế bào di căn lan ra.
BS Nguyễn Việt Long cũng cho hay, trên thế giới người ta đã tổng hợp 10 nghiên cứu về phương pháp này cho thấy, tỷ lệ hoại tử hoàn toàn khối u tùy theo kích thước đạt được từ 32 – 100%. Tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 tiến hành trên 30 bệnh nhân với tổng số 78 khối u, theo dõi sau tái khám thì tỷ lệ hoại tử hoàn toàn đạt 86,6%, thời gian sống kéo dài 21 – 24 tháng. Điều đáng nói là bệnh nhân không tử vong hoặc gặp các biến chứng nặng khi thực hiện kỹ thuật.
Mời quý độc giả xem video Tai biến y khoa (nguồn VTV):