Tầm soát ung thư luôn là một bước quan trọng đầu tiên trong phát hiện và điều trị ung thư. Các phương pháp xét nghiệm tế bào ung thư cổ điển chủ yếu phát hiện ra bệnh dựa trên các chuỗi DAN của tế bào.
Tuy nhiên để chẩn đoán chính xác cần rất nhiều thời gian do tế bào ung thư rất phức tạp, khó phân biệt với tế bào khỏe miệng. Đơn cử như ung thư vú có hơn 10 loại tế bào khác nhau nên cũng sẽ cần hơn 10 loại test khác nhau để xét nghiệm.
Mới đây, nhóm nghiên cứu từ trường đại học Queensland (Úc) do GS Matt Trau phụ trách phát hiện ra sự khác biệt rõ rệt của DNA trong tế bào ung thư và tế bào lành khi bám vào bề mặt kim loại.
|
Tế bào ung thư hút nano vàng và giữ nguyên màu nước (trái) trong khi tế bào khỏe mạnh cho nước màu xanh |
Đặc tính di truyền của cơ thể được duy trì nhờ sự liên kết DNA với các nhóm methyl. Các nhóm methyl đóng vai trò như những công tắc bật/tắt từng gene cụ thể trên DNA (ví dụ gene quy định màu tóc, màu da, miễn nhiễm hen suyễn...).
Ở tế bào bình thường, các nhóm methyl phân bố rải rác đều trên toàn chuỗi nhiễm sắc thể, kích hoạt hoặc tắt các tính trạng cơ thể.
Ngược lại, với tế bào ung thư, thông tin di truyền tính trạng bị thay đổi, các nhóm methyl lại chỉ kích hoạt những gene giúp tế bào ung thư phát triển nhanh hơn. Do đó DNA của tế bào ung thư sẽ co cụm vào một khu vực nhỏ.
Điều này cho phép phát triển một loại xét nghiệm mới giúp phát hiện những dấu vết nhỏ nhất từ DNA trên tế bào ung thư.
Theo đó, các nhà khoa học cho tế bào vào dung dịch nước chứa các hạt nano vàng, màu sắc tự nhiên của dung dịch là hồng nhạt. Khi thêm DNA của tế bào ung thư, chúng sẽ liên kết chặt với các hạt nano vàng, nước vẫn nguyên màu hồng.
Ngược lại, với tế bào khỏe mạnh, chúng sẽ liên kết với nano vàng theo cách khác và đổi dung dịch thành màu xanh lam. Kết quả xét nghiệm có thể nhìn thấy bằng mắt thường trong vòng vài phút.
Thành công bước đầu của nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Nature Communications. “Đây là một khám phá lớn mà chưa từng được khai phá trước đây”, Carrascosa, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Nhóm nghiên cứu đã áp dụng xét nghiệm này với hơn 200 mẫu máu, mô sinh thiết từ bệnh nhân ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại tràng, ung thư hạch và sẽ mở rộng ra nhiều loại ung thư khác trong thời gian tới.
“Xét nghiệm này rất đơn giản, rẻ tiền và có độ chính xác lên đến 90%”, GS Matt Trau cho biết.
So với phương pháp sinh thiết khối u truyền thống cần vài ngày để cho kết quả, xét nghiệm ung thư mới này chưa thể chẩn đoán chính xác bạn mắc ung thư gì, kích thước cũng như giai đoạn khối u, nhưng sẽ cho bác sĩ đáp án nhanh cho câu hỏi: Bệnh nhân này có bị ung thư không?
Phương pháp này khi được kết hợp cùng với các xét nghiệm đơn giản khác sẽ trở thành một công cụ chẩn đoán cho độ chính xác cao để xác định chính xác bệnh nhân bị ung thư gì và ở giai đoạn mấy.
Các nhà khoa học cũng kỳ vọng, trong tương lai gần, nghiên cứu mới này có thể đưa vào áp dụng đại trà trong các xét nghiệm máu tổng quát để có thể phát hiện sớm ung thư.