Phụ nữ sau tuổi 30 kiểm tra 4 điều này phòng bệnh tật

Google News

Phụ nữ sau 30 tuổi có những thay đổi về thể chất khi nồng độ hormone suy giảm, quá trình mất xương dần bắt đầu, nguy cơ ung thư vú cũng tăng lên.

Xét nghiệm PAP và HPV
Đây là những xét nghiệm quan trọng để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Theo Times Of India, phụ nữ trên 30 tuổi nên thực hiện các xét nghiệm này khoảng 5 năm/lần.
Xét nghiệm PAP được thực hiện nhằm tìm kiếm sự thay đổi trong các tế bào cổ tử cung, là một xét nghiệm quan trọng để tìm những biến đổi bất thường của tế bào cổ tử cung. Từ đó giúp bác sĩ phát hiện có bất thường hay không để tiến hành các xét nghiệm chuyên sâu, khẳng định bệnh.
Ngoài xét nghiệm PAP, bác sĩ sẽ chỉ định thêm xét nghiệm HPV. Đây là xét nghiệm rất có giá trị trong sàng lọc ung thư cổ tử cung. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ung thư cổ tử cung là tồn tại dai dẳng sau nhiễm virus HPV. HPV được phát hiện trong 99% khối u cổ tử cung, đặc biệt là dưới type như là HPV 16 và 18.
Xét nghiệm HPV sẽ cho kết quả để bác sĩ biết bạn có nhiễm virus này không và đưa ra đánh giá nguy cơ để kiểm soát tốt nhất, phát hiện sớm nhất diễn biến ung thư. Nếu chị em thực hiện tầm soát sớm bằng PAP và xét nghiệm HPV thì nếu phát hiện bệnh, cơ hội điều trị khỏi hoàn toàn là rất cao.
Kiểm tra mật độ xương
Thông thường, người trẻ tuổi có chỉ số mật độ xương trong mức khỏe mạnh. Khi tuổi tác ngày càng cao, nguy cơ mắc loãng xương tăng lên do mật độ xương có xu hướng giảm, nhất là phụ nữ.
Phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh, những người có các yếu tố nguy cơ như mắc bệnh khớp viêm như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, sử dụng corticoid kéo dài... nên kiểm tra định kỳ mỗi hai năm. Người có các vấn đề về sức khỏe khác như cường giáp, tiểu đường, gan, thận; yếu tố nguy cơ mắc bệnh loãng xương; từng gãy xương; suy giảm chiều cao; uống rượu bia và hút thuốc lá... cũng nên kiểm tra định kỳ.
Việc kiểm tra sẽ giúp phát hiện sớm dấu hiệu loãng xương, đặc biệt là người có chỉ số BMI thấp, tiền sử gia đình từng có người mắc loãng xương.
Chụp X-quang tuyến vú
Ước tính mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 14,1 triệu ca mới mắc ung thư, trong đó riêng bệnh ung thư vú chiếm tới 1,2 triệu ca. Ở Việt Nam, mỗi năm trên toàn quốc có khoảng 165.000 ca mới mắc và 115.000 trường hợp tử vong do ung thư, thì riêng ung thư vú chiếm khoảng 15.000 ca mới mắc và trên 6.000 trường hợp tử vong.
Chụp X-quang tuyến vú thường xuyên rất quan trọng giúp sàng lọc ung thư vú, đặc biệt là với phụ nữ trên 30 tuổi. Khi bước qua tuổi 40, phụ nữ nên chụp X-quang tuyến vú 1-2 năm/lần. Chụp quang tuyến vú có thể phát hiện sớm ung thư vú. Các phương pháp điều trị sẽ có hiệu quả nhất khi ung thư chỉ mới ở giai đoạn đầu.
Phu nu sau tuoi 30 kiem tra 4 dieu nay phong benh tat
Ảnh minh họa 
Kiểm tra chức năng tuyến giáp
Tuyến giáp là tuyến nội tiết nằm phía trước cổ, có chức năng bài tiết hormone kiểm soát hoạt động trao đổi chất và các chức năng quan trọng của cơ thể như chu kỳ kinh nguyệt, nhịp tim, nồng độ cholesterol trong máu… Mọi bất thường xảy ra tại tuyến này đều có thể dẫn đến các triệu chứng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh.
Các rối loạn tuyến giáp, chẳng hạn như suy giáp hay cường giáp, thường phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Vì vậy, kiểm tra chức năng tuyến giáp sẽ đo mức độ hoóc môn tuyến giáp, từ đó giúp chẩn đoán các rối loạn tuyến giáp.
Xét nghiệm chức năng tuyến giáp cũng có thể được chỉ định trong các trường hợp có nghi ngờ triệu chứng tuyến giáp, bao gồm: thường xuyên mệt mỏi, căng thẳng, lo âu, suy nhược cơ thể, cân nặng thay đổi đột ngột, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn nhịp tim.
Theo đó, phụ nữ trên 30 tuổi nên được xét nghiệm chức năng tuyến giáp sau mỗi 5 năm. Đặc biệt, một số nhóm nguy cơ cao cần thực hiện xét nghiệm thường xuyên hơn như người có tiền sử gia đình mắc bệnh liên quan đến tuyến giáp được khuyến cáo thăm khám và xét ngiệm 6 tháng/ lần, phụ nữ đang mang thai hoặc đã sinh con trong 6 tháng trở lại, người có đã từng mắc bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ, vảy nến, viêm khớp dạng thấp, tiểu đường, đa xơ cứng…
Theo Phương Anh/Gia Đình Việt Nam

>> xem thêm

Bình luận(0)