Phụ nữ bị bạo hành: Tự hào vì... nhẫn nhục chịu đòn

Google News

Bị chồng đánh tàn bạo không ít phụ nữ vẫn nhẫn nhục chịu đựng, thậm chí còn tự hào vì “không phải tôi thì gia đình này tan từ lâu rồi”. 

Bị đánh vẫn thương
“Em ở đây, chồng em ăn uống làm sao? Ai đi mua rượu cho anh ấy? Anh ấy giận hơn thì biết làm thế nào?” – chúng tôi đã nhiều lần đau đầu về những tình huống như vậy. Bị chồng đánh tàn bạo, thậm chí nhập viện hoặc bị chém nhiều lần nhưng khi được can thiệp, đưa ra khỏi nhà, người phụ nữ lại băn khoăn, dằn vặt lo cho chồng. Họ kêu đau đầu, khó ngủ vì nhớ chồng, nhớ con. Ngay cả chúng tôi chỉ nghe họ kể về cực khổ, đau đớn mà họ trải qua đã căng thẳng, trầm cảm. Nhưng những phụ nữ bị chồng đánh ấy vẫn nhẫn nhục chịu đựng suốt 20-30 năm. Yếu tố gì khiến người bị bạo hành chịu đựng thống khổ, né tránh cơ hội thoát khỏi bạo lực như vậy?
Phu nu bi bao hanh: Tu hao vi... nhan nhuc chiu don
Xem trưng bày vật chứng bạo lực gia đình do Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên tổ chức. Ảnh: Diệu Linh 
Gần 20 năm làm việc về bạo lực gia đình (BLGĐ) đến giờ có lẽ tôi mới hiểu, xưa nay nghiên cứu về BLGĐ, tôi mới chỉ nhìn thấy đau đớn, khổ cực mà người bị BLGĐ phải gánh chịu, mà chưa nhìn thấy… “niềm tự hào” của họ. Vì trong những câu chuyện mà những phụ nữ đó tâm sự, họ nói về đau thương, hờn tủi nhưng lẩn khuất trong đó vẫn là sự tự hào về bản thân họ - tự hào về việc họ đã giỏi chịu đựng như thế nào để gia đình không tan vỡ, bố mẹ không buồn phiền, con cái còn có bố.
“Họ hàng, làng xóm đều nể chị vì không có chị gia đình đã tan vỡ lâu rồi. Gia đình chồng cũng nể chị vì dù anh ấy đối xử với chị tàn nhẫn, chị vẫn chu đáo với họ hàng nhà chồng” – một phụ nữ bị đánh lâu năm đã tâm sự như vậy.
Có chị lại bảo: “Anh ấy thế thôi (nghiện ngập, cờ bạc, bạo lực) nhưng được cái là... gia trưởng” (??!!). Chị ấy lý giải là vì anh ấy gia trưởng nên giữ được tôn ti, trật tự trong gia đình, con cái răm rắp nghe lời, gia đình nền nếp. Sự tự hào cũng giúp họ nuôi hy vọng, vì họ giỏi chịu đựng như vậy nên một ngày chồng mình sẽ hiểu ra vợ mình tốt, hy vọng con gái dễ lấy chồng, con trai được bố uốn nắn, gia đình sẽ “có nóc”…
Đừng tôn vinh hy sinh
Tại sao không ít phụ nữ bị chồng đánh lại có niềm tự hào vô lý này? Nhìn sâu xa mới thấy, Việt Nam đã có hẳn một “công nghệ” xây dựng niềm tự hào, “ép buộc” phụ nữ phải hy sinh, phải nhẫn nhịn. Từ lịch sử đến hiện đại, từ chiến tranh đến thời bình, hy sinh vẫn được tôn vinh như đức tính cao quý của phụ nữ. Chị em nào không hy sinh, không chịu nhịn thì bị lên án, bị phê bình, bị cho là… không xứng làm mẹ, làm vợ, không phải là phụ nữ.
Sự vô lý này sẽ thúc đẩy nhiều hành xử vô lý trước BLGĐ. Tại sao không ít cặp bố mẹ không thích có con gái vì bị đánh mà quay về nhà bố mẹ. Họ hắt hủi, đuổi đi, khuyên răn con tiếp tục nín nhịn. Thật khó hiểu khi bố mẹ sinh con ra, khi con bị sứt chân, đau tay thì vô cùng xót xa, nhưng khi con bị chồng đánh tang thương lại không xót? Đó là vì họ cho rằng con gái lấy chồng đã là con người ta.
Đồng thời, cũng sợ sự tan vỡ của con gái ảnh hưởng đến sự tự hào về gia đình toàn vẹn (không có con gái bỏ chồng). Về xã hội, các phong trào như gia đình văn hoá, làng xóm văn hoá cũng có tiêu chí không có BLGĐ, không gây mất trật tự trị an. Thế là nhiều cán bộ chính quyền đã “nhìn mà không thấy” những vụ BLGĐ diễn ra ngay trước mắt mình.
Có chị xin ly hôn nhưng lại bị hoà giải tới 21 lần cho dù “tiêu chuẩn” của vụ ly hôn là tối đa 3 lần hoà giải. Còn các can thiệp của chính quyền địa phương đối với các vụ BLGĐ là vì trật tự trị an xóm làng, tự hào dòng tộc, yên ổn gia đình chứ không phải vì lợi ích của người bị bạo lực. Thậm chí khuyên răn người chồng đánh vợ rằng “im lặng cho làng xóm ngủ” (??!!).
Sự tự hào này tác động nguy hiểm vì những phụ nữ bị BLGĐ sẽ cảm thấy có động lực để chấp nhận bạo lực và mất hết sức phản kháng tích cực khi bị bạo lực. Và chính sự “tự hào ảo” này giúp họ xoa dịu hoặc che lấp đi thậm chí thay thế nỗi đau về thể xác và tinh thần. Khi bị đánh chấp nhận bị đánh và vẫn tự hào vì tôi vẫn được nể trọng. Và sự nể trọng đó xoa dịu tất cả các nỗi đau, tạo động lực cho phụ nữ kiên cường hơn để… chịu bị đánh. Sự tự hào này tạo quyền lực vô hình, tác động đến phụ nữ, nam giới, đến chính quyền, làng xã khiến họ có những lời nói, hành xử dung dưỡng với bạo lực.
Mời quý độc giả xem video hài hước về ngoại tình:
Theo Dân Việt

Bình luận(0)