Theo chia sẻ trên facebook cá nhân, nam ca sĩ Tuấn Hưng mắc bệnh vẩy nến đã gần 1 tháng nay. Căn bệnh khiến nam ca sĩ luôn cảm thấy phát điên với những biểu hiện nổi vảy nến khắp người, đầy trên đầu, mặt và tay chân... Dường như không có chỗ nào là vẩy nến không tấn công.
|
Thông tin ca sĩ Tuấn Hưng mắc căn bệnh quái ác được chính anh chia sẻ trên Facebook cá nhân. Ảnh: FBCS.
|
Tuấn Hưng thừa nhận dù “che chắn các kiểu nhưng vẫn có những nơi trên cơ thể không thể che chắn, nguỵ trang. Có lúc căng thẳng buồn dẫn đến suy sụp luôn. Tắm biển bôi thuốc, uống nước mát vẫn không thuyên giảm".
Cũng theo ca sĩ Tuấn Hưng, sau chuyến đi London về, không chịu nổi nữa rồi anh quyết định tìm đến một bác sĩ và được chẩn đoán chắc chắn bị vẩy nến khiến nam ca sĩ càng thêm căng thẳng. May mắn là điều trị theo phác đồ của bác sĩ, hiện nay anh đã khỏi đến 70%.
|
Hình ảnh ca sĩ Tuấn Hưng mắc bệnh vẩy nến. Ảnh: FBCS. |
Bệnh vảy nến là một bệnh ngoài da phổ biến nhất hiện nay. Những vị trí thường bị nhất là đầu gối, chân, lưng và những bộ phận khác trên cơ thể. Khi bị bệnh vảy nến những vùng da này xuất hiện những vảy đỏ và vảy trắng phủ lên trên da, trông rất mất thẩm mỹ và ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người bệnh.
Đây là một bệnh da liễu khó có thể chữa dứt điểm nếu bệnh kéo dài. Chính vì vậy, chúng ta cần hiểu rõ hơn những thông tin về bệnh như nguyên nhân, dấu hiệu cũng như cách phòng bệnh và chữa bệnh kịp thời và nhanh chóng.
Mỗi người mắc bệnh đều do những nguyên nhân khác nhau, vì thế cách điều trị bệnh vảy nến cũng khác nhau.
Nguyên nhân gây bệnh vảy nến
Nguyên nhân chính xác của bệnh vảy nến đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng yếu tố di truyền và rối loạn hệ miễn dịch là nguyên nhân chính gây bệnh vảy nến.
Ngoài ra, còn một số yếu tố có ảnh hưởng, làm bệnh tiến triển nặng hơn là yếu tố stress, nghiện bia rượu, thuốc lá, nhiễm trùng, ô nhiễm môi trường, rối loạn nội tiết…
|
Vảy nến là một bệnh lành tính nhưng khó điều trị dứt điểm. Ảnh: Internet.
|
Các dấu hiệu của bệnh vẩy nến
- Bị tổn thương ở da: Những vùng da bị tổn thương có những vảy đỏ và vảy trắng phủ lên trên như sáp nến, vảy dày, nhiều lớp xếp chồng lên nhau rất dễ bong tróc, kích thước to nhỏ khác nhau.
- Bị tổn thương ở móng: Phần lớn bệnh nhân bị vảy nến bị tổn thương ở móng tay, móng chân. Các móng ngả vàng đục, dễ mủn và có chấm lỗ rỗ trên bề mặt.
- Bị tổn thương ở khớp: Dấu hiệu này thường gặp ở những người bệnh bị viêm khớp mạn tính, cứng khớp, lệch khớp... Nếu bệnh nặng dấu hiệu này sẽ làm cho bệnh nhân di chuyển khó khăn, đau nhức khắp cơ thể.
Những cách phòng ngừa bệnh vảy nến
- Nên áp dụng một lối sống khoa học, không sử dụng rượu bia và thuốc lá.
- Thay đổi chế độ ăn uống mỗi ngày, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết, ăn nhiều hoa quả tươi, chứa nhiều chất xơ như các loại rau họ cải: các loại quả, củ có màu sắc như cà rốt, đu đủ, cà chua...
- Bổ sung đầy đủ lượng nước mỗi ngày. Tốt nhất là từ 2 đến 2,5 lít.
- Chế độ nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế bị căng thẳng, nên có biện pháp xã stress và vận động nhẹ nhàng hàng ngày để có một cơ thể khỏe mạnh, chống lại mọi bệnh tật.
Vảy nến là một bệnh lành tính nhưng khó điều trị dứt điểm. Vì vậy, ngay từ khi chưa mắc bệnh, chúng ta cần tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết giúp phòng tránh bệnh vảy nến.