Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản 2956/VPCP-KGVX ngày 12/5 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về dịch bệnh viêm gan cấp ở trẻ em.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế trao đổi, cập nhật thông tin với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về căn bệnh viêm gan cấp ở trẻ em để chủ động kế hoạch ứng phó, sẵn sàng nhân lực, vật tư phòng ngừa, điều trị. Ảnh minh họa |
Đồng thời Bộ Y tế cũng sẽ chỉ đạo kiểm tra, giám sát, hướng dẫn phòng, chống căn bệnh này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi bệnh có diễn biến phức tạp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các tỉnh biên giới có cửa khẩu quốc tế, tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, cảng hàng không, cảng biển để phát hiện những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, kịp thời báo cáo Bộ Y tế để có hướng dẫn, quản lý phù hợp.
Trước đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương lấy mẫu tất cả trường hợp viêm gan không rõ nguyên nhân để xét nghiệm nhằm phát hiện sớm ca viêm gan bí ẩn.
Hiện Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm hoặc ca nghi mắc viêm gan cấp tính ở trẻ.
Tuy nhiên, Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thời gian qua một số nước đã phát hiện bệnh viêm gan cấp ở trẻ em, chưa xác định được nguyên nhân, với tỉ lệ chuyển nặng cao.
Thế giới ghi nhận số bệnh nhân đã lên gần 300 chỉ trong vòng một tháng, hơn chục trẻ ở nhiều nước đã tử vong. Theo một thống kê, từ 10 - 14% trẻ bị bệnh viêm gan cấp tính này cần ghép gan.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo tiêm vắcxin viêm gan B cho trẻ đủ tuổi, đặc biệt với trẻ sơ sinh. Các địa phương cần tổ chức khám sàng lọc để phát hiện sớm ca nhiễm virus viêm gan, điều trị kịp thời, tránh biến chứng.
Đây là lần thứ hai trong vòng một tuần qua Bộ Y tế cảnh báo về bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em.
Bệnh viêm gan bí ẩn lần đầu tiên được ghi nhận ở Anh và Scotland vào đầu tháng 4/2022, với khoảng 70 trẻ từ 1 tháng - 16 tuổi, trong đó phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi.
Bệnh sau đó lan rộng hơn 20 nước với gần 300 ca, trong đó một số trẻ phải ghép gan, tập trung chủ yếu tại Anh, Tây Ban Nha, Israel, Mỹ và châu Âu.
Châu Á ghi nhận ca bệnh đầu tiên tại Nhật Bản vào ngày 25/4.
Theo giới chuyên môn, các gia đình cần bình tĩnh và lưu ý các triệu chứng sớm của bệnh gan ở trẻ.
Cụ thể, nếu trẻ có các biểu hiện như nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, có dấu hiệu vàng da, viêm kết mạc… nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám. Nếu trẻ có tổn thương gan kèm theo cần được điều trị hỗ trợ và giám sát, đánh giá mức độ bệnh từ các bác sĩ chuyên khoa.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hội chứng bệnh lạ ở trẻ em liên quan Covid-19: