Theo TS.BS Trần Vĩnh Hưng - Giám đốc Bệnh viện Bình Dân TP HCM, bệnh nhân là cụ bà Trần Thị N.S (81 tuổi, phường 7, quận 3). Bệnh nhân, có tiền sử bị cao huyết áp, bị tai biến mạch máu não đã được can thiệp nội khoa sau 3 tháng nhưng những di chứng của bệnh vẫn đeo đẳng khiến bệnh nhân thường xuyên bị chóng mặt, hoa mắt, chụp động mạch cảnh cho kết quả hẹp đến 90%.
Bệnh nhân đã rất may mắn vì được các bác sĩ của bệnh viện đã cấp cứu nội kha kịp thời, tuy nhiên do bệnh nhân bị hẹp động mạch quá lớn nên bắt buộc phải phẫu thuật thì mới tránh được nguy cơ tái phát đột quỵ và tránh tử vong do thiếu máu não cấp.
|
BS Hồ Khánh Đức – khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu – Bướu cổ, Bệnh viện Bình Dân và GS Natzi Sakalibasan và GS Defraigne Jean Olivier chuyên gia về mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Liege, Bỉ đang phẫu thuật cho bệnh nhân. |
TS.BS Hưng cho biết thêm, ngoài BS Hồ Khánh Đức, khoa Ngoại Lồng ngực, - Mạch máu - Bướu cổ, Bệnh viện Bình Dân còn có sự hỗ trợ của 2 GS quốc tế là GS Natzi Sakalibasan và GS Defraigne Jean Olivier, chuyên gia về mạch máu đến từ Bệnh viện ĐH Y Liege, Bỉ nên sau 45 phút ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp, với khối xơ vữa lấy ra dài gần 30mm, ngang khoảng 10mm.
Sau khi bệnh nhân được gây mê, các bác sĩ đã sử dụng dao cắt, đốt cầm máu phẫu thuật cho bệnh nhân. Tiếp đó tiến hành bộc lộ động mạch, kẹp 2 đầu động mạch cảnh cầm máu và đặt ống thông đảm bảo mạch máu lưu thông lên nuôi não. Sau đó, các bác sĩ bóc tách lấy sạch khối xơ vữa và dùng miếng thinwall carotid patch để vá thành động mạch cảnh tránh tái phát.
Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Bình, Phó trưởng phòng Chỉ đạo tuyến - Nghiên cứu Khoa học, Bệnh viện Bình Dân, nguyên nhân phổ biến của hẹp động mạch cảnh là xơ vữa động mạch. Quá trình xơ vữa mạch máu cho đến nay vẫn được hiểu là một quá trình diễn tiến sinh lý theo tuổi và vẫn không rõ nguyên nhân.
|
Cận cạnh ca phẫu thuật |
Tuy nhiên người ta nhận thấy có những yếu tố nguy cơ có liên quan đến sự hình thành và phát triển xơ vữa động mạch cảnh, đó là tuổi (thường chỉ gặp sau 50 tuổi, càng lớn tuổi thì nguy cơ hẹp động mạch cảnh càng tăng); tăng huyết áp; rối loạn lipid máu; hút thuốc lá; bệnh đái tháo đường; ngoài ra béo phì, lối sống ít vận động, nhiều stress, cũng là những yếu tố nguy cơ hẹp động mạch cảnh. Bệnh nhân càng có nhiều yếu tố nguy cơ chừng nào thì càng có nhiều khả năng bị hẹp động mạch cảnh chừng đó.
Hẹp động mạch cảnh có triệu chứng, đó là biểu hiện của thiếu máu não thoáng qua hay nặng hơn là tai biến mạch máu não, với các triệu chứng như: yếu hoặc liệt chân tay; mờ hoặc mù một mắt, thường thoáng qua (vài giây, vài phút, vài giờ) sau đó thấy lại bình thường; rối loạn giọng nói như khó nói hoặc không nói được. Các triệu chứng này thường xảy ra đột ngột.
Hẹp động mạch cảnh > 50% thì cần phẫu thuật mạch máu, tùy vào từng trường hợp bác sĩ phẫu thuật sẽ đề nghị chụp X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ động mạch cảnh. Một số hình ảnh khác như chụp CT- scanner hay chụp cộng hưởng từ sọ não cũng được thực hiện nếu cần. Điều trị phẫu thuật là lấy bỏ mảng xơ vữa nhằm giảm nguy cơ tai biến mạch máu não.