Phẫu thuật thành công khối u gan chiếm gần hết ổ bụng

Google News

(Kiến Thức) - Sau 5 giờ đồng hồ, các bác sỹ khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy – Bệnh viện TWQĐ 108 đã phẫu thuật cắt bỏ khối u gan phải với kích thước 30 cm.

Theo gia đình bệnh nhân N, bệnh nhân đã từng điều trị chọc hút nang và đặt dẫn lưu ở cơ sở y tế khác nhưng tình trạng bệnh không tiến triển. Gia đình đã đưa bệnh nhân N đến Bệnh viện TWQĐ 108.
Sau khi thăm khám và chẩn đoán, các bác sỹ đánh giá là nang ung thư hóa, kích thước nang rất lớn, chiếm gần hết ổ bụng ( đường kính trên 30cm ). Ngày 19.8, các bác sỹ đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân N.
Được biết, các bác sỹ của khoa đã phẫu thuật cho nhiều trường hợp với khối u gan khổng lồ. TS. Lê Văn Thành – Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy, Bệnh viện TWQĐ 108 đã có nhiều kinh nghiệm trong phẫu thuật và điều trị gan cho biết “Trước đây, chúng tôi đã phẫu thuật nhiều trường hợp khối u với kích thước khổng lồ nên trong trường hợp này, chúng tôi chủ động cắt nhu mô gan rồi mới cắt các cuống mạch. Sau đó mới tiến hành lấy khối u ra ngoài tuy nhiên việc giải phóng lấy khối u cũng vô cùng khó khăn.”
Phau thuat thanh cong khoi u gan chiem gan het o bung
 Khối u gan phải với kích thước 30 cm.
Sau phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân N ổn định và được theo dõi thêm.
TS. Lê Văn Thành chia sẻ rằng: Khối u gan lớn sẽ có nguy cơ vỡ và ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. TS Thành khuyến cáo người dân thường xuyên khám định kỳ để phát hiện bệnh sớm. Nếu phát hiện muộn, khối u ngày càng tiến triển, lớn khiến quá trình phẫu thuật khó khăn, vất vả hơn và mức độ nguy hiểm cao hơn.
U gan có phải là ung thư gan không?
U gan là biểu hiện đầu tiên và thường gặp nhất của ung thư gan. Tuy nhiên u gan cũng có thể là lành tính và gần như không gây biến chứng. Vậy cách phân biệt hai loại u gan này như thế nào và cần xử trí ra sao đối với mỗi loại?
U gan có hai loại là u gan ác tính và u gan lành tính. U gan ác tính, hay còn gọi là ung thư gan nguyên phát (nghĩa là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào gan). Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B, C và có thói quen uống rượu, dẫn tới xơ gan và cuối cùng là ung thư gan (tỷ lệ 80%). Ngoài ra, còn có trường hợp do bẩm sinh, là dạng ung thư gan phát triển chậm. Bên cạnh đó, khi có nhiều khối u bướu phát triển cùng lúc trong gan thì gọi là ung thư gan đa ổ.
Để chẩn đoán ung thư gan nguyên phát, bác sĩ phải dựa vào các triệu chứng lâm sàng đặc trưng, chẳng hạn như đau bụng ở vùng gan, sức yếu, mệt mỏi, vàng da và chán ăn, đôi khi bệnh nhân tự phát hiện có khối u lớn ở hạ sườn phải. Những thông tin cận lâm sàng cần thiết để chẩn đoán xác định ung thư gan bao gồm: xét nghiệm máu, xét nghiệm chức năng gan, siêu âm, chụp CT scanner, xét nghiệm Alpha Fetoprotein trong máu... Một số trường hợp cần làm sinh thiết khối u để chẩn đoán về mặt giải phẫu bệnh.
U gan lành tính bao gồm u máu, u tuyến tế bào gan, u giang mai và u nang gan. Các khối u gan lành tính thường được phát hiện một cách tình cờ trong những lần đi thăm khám một bệnh nào đó khác và thực hiện siêu âm chẩn đoán. Hầu hết các trường hợp u gan lành tính đều tiến triển khá chậm và gần như không gây biến chứng gì. Do đó về cơ bản loại u gan này không cần điều trị, song cần theo dõi và can thiệp khi có biến chứng vỡ nang, xuất huyết trong khối u...
Khi phát hiện những dấu hiệu của u gan như chán ăn, mệt mỏi, sụt cân, đau bụng bất thường, cảm giác căng tức, nặng ở vùng hạ sườn phải thì bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để thực hiện kiểm tra. Nếu được kết luận là u gan lành tính thì có thể yên tâm. Tuy nhiên, người khỏe mạnh cũng nên thăm khám định kỳ sáu tháng một lần hoặc khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường để có thể tầm soát kịp thời khối u, mầm mống của ung thư.
An Lê

>> xem thêm

Bình luận(0)