Phát hiện nguồn gốc của đợt bùng phát đậu mùa khỉ mới

Google News

Phân tích di truyền cho thấy virus đậu mùa khỉ đã âm thầm phát tán ở người từ năm 2018, cuối cùng trở thành đợt bùng phát lan tới hơn 40 quốc gia như hiện nay.

Khi các ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được xác định vào đầu tháng 5, giới chức y tế châu Âu rất bối rối. Virus này vốn không có khả năng lây lan giữa người với người dễ dàng như vậy, chưa nói đến việc hàng chục, thậm chí hàng trăm nam thanh niên nhiễm bệnh trong thời gian ngắn.

Nguồn gốc của đợt bùng phát này đang dần trở nên rõ ràng hơn. Phân tích di truyền cho thấy rằng virus đậu mùa khỉ đang lây lan nhanh chóng trên diện rộng, nhưng nó đã âm thầm phát tán trong cộng đồng người nhiều năm qua.

Virus vượt qua ngưỡng lây truyền trong cộng đồng người

Theo New York Times, giới chức y tế đã xác định được hai phiên bản của đậu mùa khỉ ở các bệnh nhân Mỹ. Nó cho thấy có ít nhất hai chuỗi lây truyền riêng biệt.

Các nhà nghiên cứu ở một số quốc gia cũng tìm thấy những trường hợp không rõ nguồn lây nhiễm, cho thấy sự lây lan trong cộng đồng không bị phát hiện. Một nhóm nghiên cứu đưa giả thuyết bệnh đậu mùa khỉ đã vượt qua ngưỡng lây truyền từ người này sang người khác - vốn rất bền vững.

Nhà sinh vật học tiến hóa Trevor Bedford, Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, Mỹ, cho biết thông tin di truyền có sẵn đến nay chỉ ra tại một số thời điểm trong vài năm qua, virus đã lây lan tốt hơn giữa người với người.

Tiến sĩ Bedford nói: “Các mẫu gene cho thấy điều này xảy ra vào khoảng năm 2018".

Phat hien nguon goc cua dot bung phat dau mua khi moi

Người dân xếp hàng tại một phòng tiêm vaccine bệnh đậu mùa ở Montreal, Canada, vào tháng 6. Ảnh: Christine Pussy/Reuters.

Nếu virus đã thích nghi để tồn tại trong vật chủ là con người, các đợt bùng phát có thể xảy ra thường xuyên hơn và khó ngăn chặn hơn. Điều này khiến nguy cơ virus lây từ người sang động vật ở các nước bên ngoài châu Phi sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn. Virus có thể tồn tại trong cơ thể động vật bị nhiễm bệnh, thường xuyên gây các bệnh nhiễm trùng mới ở người.

Nhà nhân chủng học Sagan Friant, Đại học Bang Pennsylvania, Mỹ, cho biết: "Chúng ta cũng có thể truyền bệnh này trở lại những động vật dễ lây lan trong động vật hoang dã và ngược trở lại con người". Tiến sĩ Friant cho biết virus tồn tại trong cơ thể người càng lâu, khả năng nó tìm thấy vật chủ mới ở người hoặc động vật càng cao.

Tính đến ngày 23/6, Mỹ đã xác định được 156 ca mắc đậu mùa khỉ ở 23 tiểu bang và Columbia. Con số trên toàn cầu đã vượt qua 3.400 trường hợp, 3.500 ca khác đang xác minh, tăng gấp 3 lần so với hai tuần trước.

Ở châu Phi, 8 quốc gia đã báo cáo hơn 1.500 ca nghi ngờ và 72 trường hợp tử vong tính đến ngày 10/6, hầu hết là ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Số đột biến cao bất ngờ nhưng không đáng lo

Virus gây đậu mùa khỉ là loại virus DNA sợi đôi lớn, gấp 7 lần SARS-CoV-2. Virus dựa trên DNA có thể tự sửa lỗi khi chúng tái tạo vật liệu di truyền. Nó có thể chỉ thu thập 1-2 đột biến mỗi năm so với 20-30 đột biến ở virus RNA như nCoV.

Nhưng virus đậu mùa hiện tại đã tích lũy số lượng đột biến cao bất ngờ. Theo phân tích sơ bộ, phiên bản phát tán từ năm 2018 có tới 47 đột biến mới. Trong đó, 42 đột biến mang dấu hiệu riêng biệt của enzym Apobec3. Enzyme này được các nhà nghiên cứu về HIV phát hiện đầu tiên. Nó là yếu tố bảo vệ vật chủ, vũ khí của hệ thống miễn dịch mà động vật và con người sử dụng để giải trừ virus như bệnh đậu mùa ở khỉ.

Về cơ bản, enzyme buộc virus mắc lỗi khi chúng cố gắng tái tạo. Kết quả là virus sẽ tự hủy. Chuột chỉ mang một phiên bản của loại enzyme này, trong khi con người có 7 phiên bản. Tiến sĩ Bedford cho biết: "Sự tích tụ nhanh chóng các đột biến, đặc trưng của enzyme kể từ năm 2018, cho thấy bệnh đậu mùa khỉ có thể đã nhảy sang vật chủ mới là con người trong khoảng thời gian đó".

Giới chuyên gia không rõ các đột biến có thể thay đổi virus như thế nào. theo Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh, trong số 48 đột biến được xác định ở nước này, 21 đột biến có thể ảnh hưởng đến cách bệnh lây lan, độc lực của virus và khả năng kháng thuốc tecovirimat.

Nhà virus học Michael Malim, Đại học King's College London, người đã phát hiện Apobec3 vào năm 2002, nhận định các đột biến xuất hiện do enzyme này với mục đích gây hại cho virus nên số lượng nhiều cũng không đáng lo. So sánh phiên bản hiện tại của virus với các mẫu trong vài năm qua, chúng ta có thể giúp hiểu nó đã phát triển như thế nào, nhưng thông tin này rất ít ỏi. Mãi cho đến năm 2017, Nigeria mới có khả năng giải trình tự vật chất di truyền.

Theo tiến sĩ Ifedayo Adetifa, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Nigeria, từ đó, các nhà khoa học đã phân tích trình tự của khoảng 50 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Nhưng nếu không có thiết bị chuyên dụng hoặc chuyên môn cần thiết để phân tích nhanh, các nhà khoa học vẫn chưa hoàn thành công việc này.

Phat hien nguon goc cua dot bung phat dau mua khi moi-Hinh-2

Hình ảnh kính hiển vi điện tử của các virion virus đậu mùa khỉ, lấy từ mẫu bệnh phẩm trong đợt bùng phát năm 2003 ở Mỹ. Ảnh: CDC/AP.

Con số thực tế có thể cao gấp nhiều lần

Một số chuyên gia cảnh báo trong nhiều năm việc xóa sổ bệnh đậu mùa vào năm 1980 đã khiến thế giới dễ bị tổn thương bởi các virus thuộc họ poxvirus và làm tăng nguy cơ biến đậu mùa khỉ thành mầm bệnh ở người.

Tại Tây Phi, tỷ lệ mắc bệnh đậu mùa khỉ đã tăng ít nhất 20 lần kể từ năm 1986. Ở các nước châu Phi nói chung, tiến sĩ Adetifa “nghi ngờ một số báo cáo sai sự thật vì nhận thức tương đối thấp và nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể thấp”. Nigeria đang đẩy mạnh giám sát bệnh đậu mùa khỉ và số ca mắc bệnh có thể tăng lên khi nhiều người biết đến loại virus này hơn, ông nói thêm.

Đậu mùa khỉ có phát ban đặc biệt xuất hiện trên lòng bàn tay và lòng bàn chân, nhưng nó thường bị nhầm lẫn với bệnh thủy đậu. Nhiều nam giới trong đợt bùng phát hiện nay có các tổn thương ở cơ quan sinh dục, nhưng những tổn thương này dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như giang mai, lậu và chlamydia.

Các nhà nghiên cứu ở Italy và Đức đã tìm thấy DNA của virus đậu mùa khỉ trong tinh dịch. Nhưng họ không rõ liệu virus có lây lan qua đường tình dục hay chỉ đơn thuần hiện diện trong tinh dịch và dịch tiết âm đạo.

Sự lây lan virus ở nam thanh niên bị loét sinh dục đã được quan sát thấy ít nhất một lần trước đây. Năm 2017, Nigeria ghi nhận 228 ca nghi ngờ mắc bệnh đậu khỉ và xác nhận có 60 trường hợp. Virus này lây lan chủ yếu ở những nam thanh niên bị loét bộ phận sinh dục.

Theo Thiên Nhan/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)