Hoàng My (28 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội, tên nhân vật đã thay đổi) cùng chồng bế theo đứa con vừa đầy tháng tìm tới Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội làm xét nghiệm ADN xác định huyết thống.
Mẫu giám định là tóc của người cha và đứa trẻ. Trong khi người vợ tỏ rõ tâm trạng lo lắng, bối rối, người chồng liên tục giục vợ làm nhanh các thủ tục để trở về.
Sau khi họ rời đi, bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm - đã nhận được điện thoại của Hoàng My. Dù sau 3 ngày mới có kết quả xét nghiệm ADN, người phụ nữ này vẫn muốn xin gặp các giám định viên trước.
Nghe My nói, bà Nga hiểu ngay mục đích của cô. Bà thẳng thắn bày tỏ họ không thể gặp bên ngoài nhà hàng hay quán cà phê, tất cả đều làm việc ở trung tâm. Tại đây, các cán bộ giám định đều có phòng riêng nếu khách hàng muốn tư vấn.
Mẫu tóc còn chân nang được sử dụng làm xét nghiệm ADN. Ảnh: Ảnh: New Scientist
Hôm sau, My và một thanh niên khác đến đăng ký làm xét nghiệm ADN từ rất sớm. Cầm tờ xét nghiệm, My hoảng hốt hỏi ngay giám định viên: “Hai kết quả giống hệt nhau tại sao không phải cùng huyết thống cha - con”.
Bà Nga giải thích rằng một đứa trẻ sinh ra mang một nửa gen của bố và mẹ. Nếu 100% gene như nhau trên tờ xét nghiệm là không phải quan hệ cha - con. Những người đổi mẫu xét nghiệm như của My không phải là hiếm ở trung tâm này. Sau khi nghe giải thích, My chia sẻ hoàn cảnh gia đình của mình để xin đổi kết quả.
“Mẹ cháu bị bệnh tim nếu gia đình nhà chồng biết sự thật và đuổi cháu ra khỏi nhà, mẹ cháu không chịu được cú sốc này. Cô thay đổi kết quả giúp, cháu sẽ tìm mọi cách để tạ ơn cô”, My khẩn cầu trong nước mắt.
Tuy nhiên, bà Nga từ chối và khuyên rằng việc tự thú sai lầm trong trường hợp này là cần thiết.
Sau khi tâm sự cùng với khách hàng, bà Nga được biết cách đây 1 năm, My gặp lại người yêu cũ khi đi du lịch cùng công ty tại Sầm Sơn (Thanh Hoá). Người phụ nữ này chia sẻ do bản thân uống quá chén, không nhớ rõ khách sạn công ty đặt ở đâu nên người yêu cũ đưa cô về khách sạn khác và họ đã vượt quá giới hạn.
Sau đó, My mang thai. Thời gian này, chồng cô đi công tác tại Singapore.
Khi mang thai được 37 tuần, cô lên kế hoạch mổ trước sinh để trùng hợp thời gian chồng ở nhà. Dù vậy, chồng cô đã nhiều lần gặng hỏi về đứa trẻ. Mối nghi ngờ ngày càng lên cao khi bé bị viêm phổi phải nhập viện kiểm tra.
Bác sĩ cho biết bé có nhóm máu A trong khi hai vợ chồng My đều là nhóm máu O. Ngay lập tức, chồng đã mang con đi đi làm xét nghiệm ADN.
Khi không thể thay đổi được huyết thống của con, cô đã thú nhận với chồng về sai lầm của mình. Mặc dù chồng rất giận dữ nhưng may mắn bố mẹ anh lại cho rằng “đừng để xấu mặt gia đình”. Sau cùng, họ đã chọn tha thứ cho con dâu và đón nhận đứa trẻ như con cháu trong nhà.
Theo bà Nga, My mang tới mẫu tóc của cùng một người để hy vọng giám định kết luận cùng huyết thống. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm.
Một bảng kết quả xét nghiệm ADN có nhiều cột. Mỗi cột đều biểu hiện cho 1 gene và hai con số. Người con phải lấy 1 con số từ bố và 1 con số từ mẹ. Vì vậy, nếu trên bản xét nghiệm máy chạy cho các con số giống hệt nhau sẽ kết luận không phải là cha - con.
Thông thường, một mẫu xét nghiệm ADN nếu có bất thường, các giám định viên có thể cho chạy tới 3 lần để xác định chính xác kết quả.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại