Trong bữa tiệc sinh nhật, bạn bè hát hò ỏm tỏi, chị Hoàng Yên mấy lượt phải ra khỏi phòng để nghe điện thoại. Cô bạn chủ nhân bữa tiệc suồng sã nói: “Ngồi ăn cũng không yên. Ai gọi hoài vậy? Thằng chả hả? Bộ thằng chả ghen hả? Không cho mày ra đường hả?”.
Chị Hoàng Yên tươi cười trả lời: “Dạ anh xã em gọi đó chị. Không phải ảnh ghen, ảnh còn khuyến khích em ra ngoài chơi cho khuây khỏa. Ảnh tiểu đường lâu năm rồi nên sức yếu, mắt mờ, lại hay quên. Ảnh gọi em rồi mà không nhớ, nên có khi nửa tiếng sau lại gọi nữa. Tội ảnh, bệnh tiểu đường tàn phá quá trời!”.
Vợ làm đẹp khi chồng bị bệnh là lố? Ảnh minh họa
Làm đẹp cho bồ ngắm?
Lúc chị Hoàng Yên chào từ biệt mọi người về trước để vào bệnh viện với chồng, một anh bạn cứ chàng ràng níu giữ. Anh rót bia cho chị, choàng vai cụng ly và bóng gió xa xôi đủ điều. Rằng sao chị quá hờ hững, vô tình. Anh thương hoa tiếc ngọc, xót cho chị còn trẻ đẹp thế kia mà lại phí thanh xuân bên ông chồng bệnh tật. Phải mà chị chịu anh, thì giờ đã tận hưởng cuộc sống nhàn hạ, sung sướng. Chị cắt lời anh, chào và bước vội ra cửa. Anh lưu luyến nối gót cùng chị ra tận bãi xe.
Bàn tiệc phía xa, mấy chị bạn xầm xì. Người khen chị Hoàng Yên nuôi chồng vất vả mà còn giữ da giữ dáng được là hay, ra đường mướt rượt như thiếu nữ. Người bĩu môi: “Nuôi chồng gì? Lúc nào nuôi thì nuôi, lúc nào đi chơi với bồ thì đi. Thấy xí xọn, xảnh xẹ vậy là tui biết “tuổi ngọ” rồi. Đi sinh nhật mà trang điểm đậm, gắn lông mi dài sộc, còn hơn chủ nhân bữa tiệc nữa. Chồng bệnh mà vợ làm đẹp chắc để bồ ngắm chứ gì. Gặp tui, tui sẽ không đi đám tiệc. Đâu nhất thiết phải đi, gửi tiền, gửi quà cũng được mà. Chứ chồng mình bệnh nặng, vui vẻ, sướng ích gì mà chưng diện, ăn uống, chơi đùa”.
Người đàn ông nằm trên giường bệnh, hình ảnh đính kèm hẳn là một người vợ tiều tụy, hốc hác, nhợt nhạt. Phụ nữ láng mướt và chiếc giường bệnh có vẻ… “khéo là ghét nhau”. Người vợ có chồng bệnh mà “bày đặt” chưng diện là tâm điểm của thị phi, của đồn đoán và phán xét. Nếu lỡ chiếc giường bệnh có chút khăm khẳm mùi nước tiểu của chồng, hoặc chai nước biển đã hết, rút ngược máu vào ống… thì nhan sắc của người vợ càng bị bới móc, lên án: “Lo chồng không lo, tối ngày toàn lo làm đẹp”.
Nếu ông chồng được chăm sóc chu đáo thì công sức của người vợ cũng không được ghi nhận mấy, có vẻ như việc chăm sóc cũng khá thảnh thơi, nhẹ nhàng thôi. Tất cả cũng chỉ vì “cái tội… đẹp”.
Sợ người ta quở, các chị có đem mỹ phẩm vào tận bệnh viện cũng phải giấu giếm, thoa kem dưỡng da chống nám cũng phải rón rén. Đôi khi người phản đối không phải bệnh-nhân-chồng, mà là người ngoài, nhất là họ hàng nhà chồng. Và đáng sợ nhất khi tự người vợ ràng buộc mình trong cái định kiến hẹp hòi đó.
Ăn mặc tươm tất, sạch sẽ, thời trang, mua cái áo mới cũng “mặc cảm tội lỗi”, chỉ biết dồn sức chăm lo, dốc toàn bộ tiền bạc, thời gian cho chồng, hy sinh tất cả quyền lợi cá nhân và thú vui tận hưởng cuộc sống vốn lành mạnh, chính đáng của mình… thì mới được gọi là trọn đạo tào khang - dù có khi để theo đuổi “danh hiệu” ấy, người phụ nữ phải đánh đổi cả sức khỏe và thanh xuân của mình. Người vợ bệ rạc, luộm thuộm, không còn hấp dẫn trong mắt chồng nữa và những cám dỗ sẽ ập đến khi chồng đã bình phục. Người vợ thì đã quen tư duy “càng xuống màu càng thể hiện thương chồng”.
Vợ tươi xinh, tươm tất là liều thuốc quý cho chồng
Chị Châu Linh (nhân viên văn phòng ở Q.4, TP.HCM) chia sẻ một khoảnh khắc khiến chị uất ức nhất trong hành trình tám năm nuôi chồng nằm liệt sau tai nạn giao thông. Lúc chồng chị đã qua cơn nguy kịch, xuất viện về nhà, thì chị cũng đến ngày dặm màu cho chân mày mới xăm hồi tháng trước. Đồng thời có phiếu mát-xa mặt do người bạn tặng đã lâu, sắp hết hạn, chị định kết hợp đi để xả stress sau nhiều tuần thức trắng chăm chồng trong bệnh viện.
Chị nhờ em chồng sang trông anh giúp vài tiếng đồng hồ để “đi công chuyện” (chị không dám nói cụ thể). Ngóng chị về, ông chồng thở dài, lầm rầm: “Sao đi làm lại chân mày mà lâu quá vậy?”. Cô em nghe được, thế là chiến sự nổ ra.
Cô miệt thị chị dâu đủ điều, mắng mỏ là vô trách nhiệm, đùn đẩy cho người khác chăm chồng mình, thậm chí cho rằng chị vượt rào đi gặp bồ. Cô rêu rao với họ hàng rằng số tiền họ hàng giúp anh viện phí bị vợ đem cúng cho thẩm mỹ viện, shop thời trang… Họ hàng chưa rõ thực hư đã âm thầm quay lưng với chị. Chồng chỉ phản kháng yếu ớt với cô em, không đủ để xóa tan tiếng oan cho vợ, chị Châu Linh thất vọng, tức giận bỏ về nhà mẹ ruột.
“Em làm đẹp là tốt mà. Anh đâu nói gì em. Có khi tỉnh dậy thấy em rũ người bên giường bệnh chợp mắt một chút sau đêm dài thức trắng, anh xót lòng lắm. Anh chỉ muốn nhìn em thật xinh xắn và ngọt ngào như thể truyền cho anh nguồn năng lượng. Khi nhìn em tươi tỉnh, phấn chấn, anh thấy thần chết lùi xa hơn…
Vợ đẹp của anh như liều thuốc vậy đó. Một chút son, một chút phấn, một chút nước hoa, em hãy tự tin mình đẹp và có quyền làm đẹp. Đẹp ngay và luôn nhen vợ của anh. Em có nhớ tuần trước anh còn khuyến khích em theo nhóm bạn đi du lịch để “sạc pin”, để đủ sức đi đường dài với anh không?
Chỉ do cô út cạn nghĩ nên nói vậy thôi. Gia đình mình gặp tai ương, em mạnh mẽ chống chọi, giành lại sự sống cho anh là phước lớn của anh và gia đình. Về nấu cháo cho anh ăn, nhớ em và nhớ nồi cháo của em lắm rồi! À mà nồi cháo của em có rắc vị gì mà ngon đặc biệt vậy?”.
Đọc email dài ngoằng đầu tiên sau ngày chồng gặp đại nạn, quay về từ cõi chết, chị Linh bật khóc. Gọi lại thì nghe anh cười: “Về nhà nhen vợ, anh đếm tới một triệu là em phải xuất hiện bên cạnh anh đó nghen”. Chị Linh vội gom quần áo vào giỏ quay về nhà, không quên chải lại mái tóc, soi gương và thoa một lớp son hồng nhạt.