Đây là ngày thứ 2 thành phố nới lỏng một số hoạt động sau gần một tháng tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội.
Tham dự họp báo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM có nhiều đại diện các sở, ngành liên quan.
Phương tiện tăng không nhiều nhưng tập trung đông tại chốt
Trao đổi tại họp báo, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Phan Công Bằng cho biết theo ghi nhận của Sở, sau khi thành phố cho phép mở thêm một số hoạt động sau ngày 16/9, đặc biệt là 3 địa phương như quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ; shipper được hoạt động liên quận; cửa hàng, doanh nghiệp được phép hoạt động, người ra đường có đông hơn.
“Số lượng có tăng, nhưng chỉ tăng 5%, không lớn lắm. Lực lượng công an, quân đội kiểm tra rất nhanh, không xảy ra ùn tắc. Thật ra phương tiện không nhiều nhưng còn tập trung đông tại chốt, còn lưu lượng qua quan sát chúng tôi nhận thấy không đông”, ông Bằng nói.
|
Tình trạng ùn ứ xảy ra tại một số chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở TP.HCM ngày 16/9. Ảnh: Y Kiện. |
Liên quan các giải pháp, kế hoạch của ngành giao thông vận tải ở giai đoạn tiếp theo, ông Phan Công Bằng cho biết dự kiến sau 30/9, ngành giao thông vận tải TP xây dựng bộ tiêu chí an toàn trong lĩnh vực. Bộ tiêu chí này đã được UBND TP.HCM phê duyệt.
Giải quyết thủ tục cấp giấy đi đường cho người dân trong ngày
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng tham mưu Công an TP.HCM, cho biết ngày 17/9, Công an TP đã ban hành công văn hướng dẫn 3679 gửi đến công an địa phương, yêu cầu công an địa phương tham mưu UBND cùng cấp hướng dẫn giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp thuộc diện được phép hoạt động.
|
Thượng tá Lê Mạnh Hà. Ảnh: Chí Hùng. |
Công an TP.HCM hiện đã cấp cho địa phương trên 15.000 giấy đi đường để cấp cho người dân. Ông Hà cho biết thực tế nhiều người dân liên hệ với UBND nhưng không biết tiếp xúc ai để thực hiện thủ tục nhằm hoạt động trở lại.
Công an TP cũng yêu cầu đơn vị cấp dưới phải có địa chỉ mail, số điện thoại… để người dân liên hệ.
Theo thượng tá Hà, Giám đốc Công an TP chỉ đạo công an địa phương phải trực cả thứ 7, chủ nhật và giải quyết thủ tục trong ngày cho các cơ quan, người dân.
Lực lượng quân đội hỗ trợ TP.HCM chưa có lệnh rút quân
Thông tin tại họp báo, thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh TP.HCM, cho biết nhiệm vụ của lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố không đổi. Về quân số, do nhu cầu của công tác chăm sóc bệnh nhân thì Bộ Quốc phòng đã tăng 130 tổ quân y để phối hợp với y tế cơ sở, chăm lo cho bệnh nhân và người dân ở cơ sở. Trước đây là 400 tổ, hiện là 530 tổ quân y hỗ trợ người dân.
"Hiện, Bộ Quốc phòng chưa có lệnh rút quân, lực lượng quân sự tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, tinh thần là chiến thắng mới trở về", ông Phong nhấn mạnh.
Tốc độ phát triển ngành lương thực, thực phẩm giảm mạnh do rượu bia
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết ngành lương thực, thực phẩm 9 tháng qua gặp rất nhiều khó khăn do các đợt dịch.
Tốc độ phát triển giảm 7,5% so với cùng kỳ 2020 (cùng kỳ 2020 giảm 2,2% so với 2019). Tốc độ chung giảm nhưng nhóm chính liên quan đến cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho người dân vẫn tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, nhóm rượu bia, thực phẩm chế biến thức ăn nhanh giảm. Nhóm này có tỷ trọng cao trong nhóm ngành chế biến lương thực, thực phẩm.
Sở đã tham mưu trước mắt, thông qua Hội Lương thực, thực phẩm kiến nghị các giải pháp. Trong đó có kết nối với các địa phương, đơn vị cung ứng nhằm hỗ trợ tìm kiếm, bổ sung nguyên vật liệu cho lĩnh vực này. Theo đề xuất của Hội Lương thực thực phẩm, Sở đã cố gắng phối hợp hỗ trợ tiêm vaccine, cấp giấy đi đường cho các đơn vị.
Về giải pháp lâu dài, Sở tham mưu lập Hội đồng phát triển ngành chế biến lương thực, thực phẩm. Nhiệm vụ là đưa ra tất cả phương án, giải pháp định hướng, hỗ trợ từ đầu tư, sản xuất, khó khăn trong tiếp cận vốn, lao động.
TP.HCM còn gần 516.000 người chưa tiêm vaccine mũi 1
Tại họp báo, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thông tin đến ngày 16/9, TP.HCM đã tiêm 8.563.863 (tăng 111.254 mũi so với ngày 15/9), trong đó tổng số mũi 1 là 6.693.404, mũi 2 là 1.870.459. Số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 992.614.
|
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Về số lượng người còn lại chưa tiêm, thông qua thống kê từ các quận, huyện thì còn 515.988 người chưa tiêm mũi 1.
Tính đến 30/9, TP.HCM có 1.782.496 người cần tiêm mũi 2, bao gồm vaccine AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Vero Cell.
Như vậy, đến 30/9, TP.HCM cần 2,2 triệu liều vaccine để tiêm mũi 1 và mũi 2 cho người dân. Số vaccine hiện có của thành phố, kể cả tại kho của thành phố và quận/huyện, là 410.820 liều vaccine các loại, gồm Astra Zeneca, Pfizer và VeroCell.
Như vậy, TP.HCM còn cần hơn 1,8 triệu liều vaccine. Sở Y tế đã báo cáo TP và đề xuất với Bộ Y tế. Theo điều kiện Trung ương phân bổ, có vaccine tới đâu thành phố sẽ tiêm tới đó.
Tỷ lệ tử vong có giảm nhưng không quá lạc quan
Nói thêm về tình hình điều trị ở tầng 2 và 3, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho hay so với năng lực của ngành y tế thành phố, tình hình điều trị có chuyển hướng tốt. Số bệnh nhân/số giường khoảng 69,8%.
Cụ thể, thành phố có 59.150 giường, trong đó, số bệnh nhân được điều trị tại đây là 41.297. Ở tầng 2 tỷ lệ là 69,2% và tầng 3 là 77,5%.
Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng các biện pháp can thiệp trong điều trị nặng còn khá cao. Do đó, ông đánh giá số tử vong có giảm nhưng không quá lạc quan.
Theo thống kê mới nhất, tỷ lệ sử dụng biện pháp can thiệp trong điều trị ca nặng, đặc biệt tầng 3 cho thấy ngành y tế đã sử dụng đến 69,1% số máy xâm lấn và 65,5% số máy thở không xâm lấn. Các bệnh viện đã sử dụng 76,7% số máy ECMO; 69,7% lọc máu, 68,7% máy thở xâm lấn, 56,2% số máy thở không xâm lấn và 62,2% thở oxy.
Về tỷ lệ tử vong đến thời điểm này, ở tầng 2 và 3 tính chung khoảng 5,9% (12.764/215.068 bệnh nhân). Trong đó tỷ lệ tử vong ở tầng 2 là 4,5% và tầng 3 là 33,4%.
Tỷ lệ dương tính vùng xanh, vùng vàng dưới 1%
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết thành phố đang bước vào đợt xét nghiệm thứ 4. Qua đợt xét nghiệm, tỷ lệ dương tính tại vùng xanh và cận xanh là 0,5%, vàng là 0,6%.
Ông giải thích thêm với các trường hợp mẫu gộp dương tính, ví dụ, gộp 10 dương tính thì ngành y tế phải giải gộp, tức làm lại mẫu xét nghiệm đơn cho 10 người. Do đó, tùy theo khu vực, vùng màu mà số mẫu thực hiện sẽ khác nhau.
Từ 23/8 đến 15/9, TP.HCM đã thực hiện việc xét nghiệm diện rộng. Theo chỉ đạo mới, từ 16/9 đến 30/9, thành phố tiếp tục công tác này.
Ngày 16/9, TP.HCM có hơn 3.200 bệnh nhân xuất viện. TP hiện có 321.358 trường hợp mắc Covid-19, đang điều trị cho hơn 40.000 bệnh nhân, trong đó hơn 3.100 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.514 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân phải can thiệp ECMO.
Từ 18h ngày 15/9 đến 18h 16/9, TP.HCM đã lấy hơn 319.000 mẫu xét nghiệm, trong đó có hơn 14.600 mẫu đơn và 4.331 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên gần 279.000 mẫu.
Tính đến 16/9, TP.HCM đã tiêm hơn 8,56 triệu mũi vaccine, trong đó hơn 6,6 triệu mũi 1 và gần 1,8 triệu mũi 2. Cũng theo thống kê, hơn 1,8 triệu người trên 65 tuổi, có bệnh lý nền đã được tiêm vaccine.
|
Tính đến 16/9, TP.HCM đã tiêm hơn 8,56 triệu mũi vaccine. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo công văn 3072 của UBND TP.HCM ngày 15/8, TP.HCM tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội từ 0h ngày 16/9 đến hết 30/9. Trong đó, TP.HCM nới lỏng một số hoạt động.
Shipper được chạy liên quận/huyện/TP từ 6h đến 21h hàng ngày. Bên cạnh đó, lực lượng giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng được hoạt động nội quận/huyện/TP.
TP.HCM tiếp tục mở rộng một số loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký) được hoạt động từ 6h đến 21h. Điều kiện hoạt động của nhóm này là người lao động tại nơi làm việc phải tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19 và xét nghiệm 5 ngày/lần.
Riêng các địa bàn đã kiểm soát được dịch gồm quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ; các khu chế xuất, khu công nghiệp trên các quận, huyện này và khu công nghệ cao sẽ được thí điểm cơ chế riêng. Người dân khu vực này được đi chợ một lần/tuần. UBND các địa phương này quyết định bổ sung thêm lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động.