Có vô số lý do cho việc tình cảm rạn nứt, khiến đôi bên chia tay mỗi người một ngả. Dù kết thúc trong hòa bình hay không, buồn bã, thất vọng và có những cảm xúc tiêu cực là chuyện hoàn toàn bình thường.
Lúc này, một số người chọn dọn dẹp cảm xúc trong thầm lặng. Trong khi đó, một số khác chọn chia sẻ, thậm chí công khai trút giận, chỉ trích người cũ với bạn bè, người thân hay mạng xã hội.
Một chút oán giận kéo dài sau khi chia tay, đặc biệt là một cuộc chia tay đặc biệt tồi tệ, là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, khi một người mô tả tất cả người yêu cũ của họ đều xấu xa, khả năng cao đây là "red flag" (cờ đỏ) - một thuật ngữ dùng để cảnh báo về một người cần phải đề phòng, tránh xa, theo SELF.
Nhìn nhận hai chiều
“Mọi người nên học cách nhận thức được một số bài học từ những mối tình trong quá khứ của bản thân”, Tiến sĩ Gina Senarighi, cố vấn cho các cặp yêu nhau kiêm tác giả của Love More Fight Less, A Communication Workbook for Every Couple, chia sẻ với SELF.
Chẳng hạn, người yêu cũ là một người giao tiếp rất tệ, song chúng ta cũng có thể trở thành một người biết lắng nghe hơn. Một trường hợp khác, hai người chia tay vì một người luôn trễ hẹn và thường xuyên bận rộn với công việc. Nhưng công bằng mà nói, có thể người còn lại không phải lúc nào cũng thấu hiểu về lịch trình bận rộn của người yêu.
|
Trước khi quyết định "nói xấu" người yêu cũ, chúng ta cũng nên đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Ảnh minh họa: cottonbro/Pexels. |
Mặt khác, nếu mọi người rời bỏ một mối quan hệ với suy nghĩ rằng bản thân không làm gì sai và đổ hết trách nhiệm lên người bạn đời cũ, thậm chí gọi họ là “kẻ điên”, điều này cũng có thể phần nào hé lộ tính cách không sẵn sàng chịu trách nhiệm, Tiến sĩ Senarighi nói.
Vấn đề này thực chất đáng chú ý bởi vì khả năng thừa nhận và học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ là một đặc điểm quan trọng. Nghiên cứu cho thấy điều này gắn liền với những đức tính như sự đồng cảm, khả năng tự nhận thức và lòng vị tha, vốn đều là chìa khóa để hình thành các mối quan hệ lành mạnh.
Tìm hiểu nguyên nhân
Theo Tiến sĩ Senarighi, nói xấu người yêu cũ không chỉ tiết lộ nhiều điều về tính cách của đối phương mà còn cả cách họ có thể nói về chúng ta sau này. Nói một cách dễ hiểu, nếu một người thoải mái gán cho những người họ từng hẹn hò và yêu thương là “khùng” hoặc “điên rồ”, khả năng cao họ cũng sẽ làm điều tương tự với những người đến sau.
Tất nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Có thể người yêu cũ của đối phương thực sự là một kẻ khốn nạn hoặc đã làm điều gì đó khủng khiếp và để lại sự cay đắng kéo dài cho người ở lại. Hay đơn giản họ chỉ chọn nhầm người để yêu. Dù nguyên do là gì, thay vì xuôi theo ý kiến của người kia, Tiến sĩ Senarighi khuyến khích mọi người tìm hiểu tại sao họ lại có cái nhìn tiêu cực như vậy về người tình cũ.
Theo đó, câu trả lời cho câu hỏi này có thể giúp chúng ta nhìn nhận đối phương rõ ràng hơn. Giả sử họ gọi người yêu cũ là “kẻ tâm thần” hoặc “đầu óc rối loạn” vì người này đã liên tục lừa dối hoặc thao túng cảm xúc của họ.
Trong trường hợp này, Tiến sĩ Senarighi nói rằng đây không hẳn phải là dấu hiệu xấu vì những lời nói tiêu cực là phản ứng trước nỗi đau tinh thần chứ không phải đối phương đang đổ lỗi cho người khác hoặc chỉ đơn thuần xấu tính.
Tuy nhiên, nếu họ tránh né: “Tôi không biết, người đó tự dưng hóa điên!”, hoặc gạt bỏ vấn đề: “Ai quan tâm? Giờ chuyện đã là quá khứ rồi!”, có lẽ chúng ta sẽ cần để ý đối phương sâu sắc hơn.
Người này rất có thể thiếu sự đồng cảm hay thiếu nhận thức, vốn là những dấu hiệu tiêu cực cần tránh xa. Nếu không chú tâm, một ngày nào đó mọi người cũng có thể sẽ nằm trong danh sách “người yêu cũ tự dưng hóa điên” của họ.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.