Ngày thông báo với mọi người vợ chồng tôi đã hoàn tất thủ tục li hôn, ai cũng ngẩn ngơ như thông tin trên trời xuống, còn chị gái và mẹ tôi khóc như mưa như gió, cha tôi ngồi im một chỗ, đôi mắt sâu hằn giấu kín nỗi đau.
Ngày bước chân ra khỏi tòa, lòng tôi ngổn ngang, rối bời, tôi quay cuồng tự hỏi, mình có mơ không? Cuộc hôn nhân sau 10 năm yêu nhau và 8 năm chung sống đã kết thúc bằng một tờ giấy ly hôn? Tôi tin chồng tôi cũng sốc không kém, bởi chúng tôi còn yêu nhau nhiều lắm.
|
Ảnh minh họa. |
Chúng tôi cưới nhau sau ra trường và có một công việc ổn định, anh là nhân viên trong một cửa hàng Viettel, còn tôi đang là giáo viên hợp đồng dạy nhạc họa ở một ngôi trường cấp 1 cách đó tầm 15 km. Cuộc sống của những người công chức như chúng tôi cũng bình dị trôi qua, không dư giả nhiều nhưng đầm ấm, nhất là khi tôi sinh em bé, ngồi nhà lúc nào cũng có nụ cười trẻ thơ. Tôi như đi trên thảm hoa hồng của hạnh phúc, mọi người trầm trồ “cặp này đẹp đôi khiếp, yêu nhau lâu thế rồi lấy nhau rồi vẫn cứ quấn lấy nhau suốt ngày”. Tôi cười mãn nguyện, nhìn anh với ánh mắt biết ơn.
Ngày đó tôi dạy hợp đồng, muốn vào chính thức, tôi cũng phải tốn một khoản không nhỏ cho tiền “lót chân”, “tiền cửa sau”. Với đồng lương ít ỏi, chúng tôi phải vay mượn thêm, mong có chân công chức cho ấm thân, đỡ lo lắng khi mà thời thế công việc ngày càng khó khăn. Đó chính là khoản nợ nần đầu tiên của chúng tôi, nhưng với đồng lương ổn định, thì lo gì không trả được. Thế là tôi đã là một giáo viên chính thức đúng nghĩa, không còn cái cảnh mỗi mùa hè xong lại lao đao tay xách nách mang quà cáp, biếu xén để mong lại tiếp tục được kí hợp đồng.
Nhưng bất ngờ thay, gia đình tôi lại tiếp tục khốn đốn khi anh làm thất thoát một lượng tiền lớn trong quá trình giao dịch. Để giữ lại công việc cho anh, tôi đã phải cắm sổ lương công chức để vay một khoản tiền lớn bù vào. Cuộc sống mà, ai mà chẳng có lúc vay, coi như chúng tôi làm ăn thua lỗ đi, miễn thuận vợ, thuận chồng là được. Vợ chồng tôi vẫn hạnh phúc dù mỗi bữa ăn toàn muối mè và ít rau xào, rau luộc gì đó cho qua bữa, còn lại vừa trả lãi và đủ lo cho con.
Nhưng rồi, số lương ít ỏi cũng không đủ, lãi chất chồng – lãi mẹ đẻ lãi con, vợ chồng tôi trở thành con nợ lúc nào không hay, mỗi cú điện thoại là giật mình. Từ đó, cuộc sống của tôi nặng nề hơn, chúng tôi hay cãi nhau, mà chỉ một chút mâu thuẫn là 2 bên điều kiềm chế không được. Nhiều lần anh “đá thúng đụng nia”, nhiều lần anh bỏ ra khỏi nhà và trở về trong tình trạng say mèm, nhiều lần tôi hỗn láo với anh và không biết bao lần tôi lao ra khỏi nhà giữa trời khuya lạnh lẽo, nước mắt cứ rơi…
Lỗi tại ai? Không phải lỗi của anh, bởi anh vẫn là một người đàn ông có trách nhiệm và lo cho vợ con, chỉ khổ nổi anh vẫn buồn trong ánh mắt và hay thở dài và tôi hiểu vì sao. Tôi hiểu gánh nặng của đàn ông vô hình mà nặng nề hơn phụ nữ chúng ta nhiều, tôi hiểu áp lực của chồng khi chèo lái con thuyền gian nan giữa dòng nước xoáy của nợ nần, thiếu thốn. Tôi cũng hiểu những cuộc cãi vã của vợ chồng tôi đều bắt đầu từ nỗi lo “cơm, áo, gạo tiền”.
Các cơn sóng cứ thế, muốn nhấn chìm con thuyền của hạnh phúc của gia đình tôi xuống sâu xuống đáy cát mới hả dạ. Anh lao vào đề đóm, bài bạc và thế là hết, chúng tôi bán căn nhà đang ở, lấy tiền trả nợ, ngày chúng tôi trả hết nợ, cũng chính là ngày chúng tôi hoàn thành thủ tục li hôn, anh về sống ở nhà mẹ đẻ, còn tôi đưa con về nhà ngoại. Tôi vẫn yêu anh. Anh nhìn tôi, con mắt đỏ hoe, hoang hoải. Một nỗi đau thấm tận tâm can, chạy về nhà ôm con và tôi khóc nức nở, còn giờ đây anh chỉ biết chia sẻ với rượu, bia.
Chúng tôi đã có mọi thứ và mất đi mọi thứ chỉ trong tích tắc. Ước gì những chuyện xảy ra chỉ là một cơn ác mộng và ta thở phào nhẹ nhõm vì đó chỉ là một giấc mơ. Nếu được chọn lại, tôi sẽ chọn hạnh phúc cho con hoặc tôi sẽ làm một người phụ nữ mạnh mẽ tự bảo vệ hạnh phúc của mình, không núp bóng yếu ớt để trách móc và nương theo số phận.
Là một người phụ nữ phải mạnh mẽ và bước đi những bước thật vững chắc nhé các bạn, vì có những lúc đàn ông còn yếu đuối hơn chúng ta rất nhiều – đừng như tôi.