Bạn trai người thành phố, nhà khá giàu nên ban đầu tôi mặc cảm thân phận gái quê, thường từ chối tới những nơi sang trọng, sau bị nèo nẵng dắt đi nhiều cũng thành quen.
Tình cảm đang đẹp như mơ thì một lần tôi phát hiện anh ta còn theo đuổi những hai cô gái khác. Tôi không chấp nhận kiểu bắt cá hai tay ấy nên ra điều kiện hoặc là anh tuyệt đối cắt đứt những mối quan hệ kia, hoặc tôi với anh chia tay.
|
Ảnh minh họa. |
Anh ta chọn phương án 3 là muốn đối xử với tôi như em gái. Tôi không đồng ý và trả lại hết những gì mà thời gian trước đây anh ta tặng tôi.
Ngay tối đó, tay lớp trưởng nhắn tin, rằng vừa nhìn thấy chiếc xe máy tôi thường đi trong tiệm cầm đồ. Lớp trưởng khuyên có khó khăn gì thì cũng nên giữ lấy phương tiện mà đi học.
Thì ra là thế! Tôi cay đắng vì đã trót xây dựng ước mơ với anh nhà giàu kia. Vừa mới chia tay hồi chiều là đã mang ngay món quà cam kết “chỉ dành cho em” đi cầm cố. Có lẽ là để lấy tiền mua quà cho những mối tình mới của anh ta?.
Vì sĩ diện, tôi nhắn tin trả lời lớp trưởng “Không phải xe tớ, đấy là thứ tớ mượn của một thằng đểu”.
Câu trả lời còn pha chút ấm ức đó ai dè đã tố cáo tôi đang bị thất tình. Gần như ngay lập tức, số máy bên kia nhắn lại “Cậu đừng buồn, đời người thường thì ai cũng trải qua vài ba lần yêu. Chàng trai kia chắc kém hên nên mới để mất cậu!”
Trúng tâm trạng, tôi nhắn tiếp “Tớ mới là người không may mắn, vì đã lãng phí thời gian cho một kẻ không ra gì”. Bên kia hồi đáp luôn “Ngược lại thì có. Chúc mừng cậu đã có một trải nghiệm tuyệt vời về kết cục của đa số tình yêu sinh viên…”
Cái kiểu nói chuyện ngồ ngộ, tưng tửng của hắn trong lúc tôi vừa bị bồ đá ấy có vẻ như hợp thời, nó khiến tôi vừa muốn thanh minh, vừa muốn cãi lại, lại vừa muốn tâm sự để vơi bớt nỗi lòng.
Tôi không biết đêm ấy đã trao qua đổi lại bao nhiêu tin nhắn, chỉ đến lúc nhìn đồng hồ mới giật mình vì đã gần 3 giờ sáng. Tôi nhắn tin chấm dứt buổi đối thoại: “Cảm ơn vì những chia sẻ trong lúc tớ buồn. Giờ tớ ngủ đây, còn dậy sớm bắt xe buýt tới trường”. Lớp trưởng nhắn lại “Cứ ngủ cho đã đi, sáng tớ chạy xe tới đón cậu. Đi cùng cho vui”.
Trong trạng thái đang chán ngán, tôi giở chiêu “xù lông nhím”, trả lời “Không cần! Tớ đang ác cảm với bọn con trai, thời gian này đừng làm phiền!”.
Tôi nhấn nút “gửi” rồi chờ đợi dài cổ một lời năn nỉ được làm xe ôm tình nguyện, ai dè số máy bên kia im bặt.
Sáng trở dậy, tôi uể oải khóa cửa phòng trọ để sẵn sàng nếm mùi xe buýt thì đã thấy lớp trưởng chờ ngoài đầu ngõ. Hắn đưa mũ bảo hiểm cho tôi rồi gãi đầu cười trừ “Hôm qua tài khoản điện thoại còn những 25 ngàn, nhắn tin cả đêm, đến phần quan trọng nhất là yêu cầu cậu không được từ chối ngồi sau lưng tớ thì… hết sạch tiền”... Từ đó cho tới khi Tốt nghiệp, con đường tới trường luôn ríu rít tiếng nói cười của hai đứa.
Giờ thì không còn chung xe nữa, nhưng chung một nhà. Tôi vẫn thường gọi chồng tôi là “hắn” mỗi khi kể với bạn bè. “Hắn” cũng thú vị với cách đặt tên yêu thương đó nên không phản ứng, chỉ thi thoảng chọc một trò cũ rích khiến tôi vừa ngượng, vừa vui lại vừa “cú”.
Đó thường là trong những buổi ăn tối, hắn thổi vào tai con trai tôi mấy lời chả đâu vào đâu “Ba chỉ mất đúng 25 ngàn để có được má con!”.