Hơn 40 công nhân nhập viện vì ngộ độc thuốc diệt côn trùng
Sự việc đáng tiếc xảy ra ở Công ty TNHH Grand Wood (Chuyên sản xuất bàn ghế nội thất xuất khẩu sang Châu Âu) thuộc ấp 1, xã Hội Nghĩa, TX. Tân Uyên, Bình Dương. Vào thời điểm trên, khi hàng trăm công nhân đang làm việc thì có biểu hiện khó thở, nôn ói rồi ngất xỉu. Ngay sau đó, các công nhân khác đã nhanh chóng chuyển nạn nhân đến Trung tâm Y tế TX. Tân Uyên để cấp cứu.
|
Trung tâm Y tế TX. Tân Uyên, nơi đang điều trị cho các công nhân ngộ độc. Ảnh: Tiền Phong. |
Theo thông tin từ phía Trung tâm Y tế TX. Tân Uyên, tính đến nay có hơn 40 công nhân đang được điều trị. Nguyên nhân được cho là do ngộ độc thuốc diệt côn trùng.
Làm việc với cơ quan chức năng, lãnh đạo Công ty Grand Wood cho biết, do công ty sản xuất đồ gỗ phải phun thuốc diệt mối, mọt định kỳ nên đã thuê người đến xịt thuốc tiêu diệt. Có thể do thuốc chưa bay hết mùi, các công nhân đến làm việc hít phải dẫn đến ngộ độc.
Hai người tử vong ở Đà Nẵng nghi do ngộ độc thuốc diệt muỗi
Tháng 9 năm ngoái, vụ 3 du khách trong gia đình nghi bị “ngộ độc” khiến 2 người tử vong, cùng với 1 cháu bé khác tử vong khi ở chung khách sạn Hilary tại TP.Đà Nẵng, khiến dư luận quan tâm khi xuất hiện tình tiết nghi vấn về thuốc diệt côn trùng trong khách sạn.
Anh Đặng Ngọc Vạn (29 tuổi, quê Nghệ An) đã mong muốn cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân khiến vợ và con anh gặp sự cố khi lưu trú tại khách sạn Hilary (số 128 Hồ Nghinh, P.Phước Mỹ, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) sáng 16/9, rồi tử vong. Trong đó lưu ý chi tiết thời điểm đó khách sạn đang phun thuốc diệt côn trùng.
TS-BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, cho biết anh Vạn vào viện hôm 16/9 trong tình trạng hôn mê, rối loạn chức năng hô hấp và tuần hoàn, trụy tim, có biểu hiện suy đa tạng. Sở Y tế Đà Nẵng cho biết kết quả ban đầu về giám định pháp y cho thấy vợ và con trai 4 tuổi của anh Vạn tử vong (trong quá trình cấp cứu tại BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng) đều nhiễm độc.
“Chất độc vào trong cơ thể gây rối loạn các chỉ số sinh học, gây hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, nhịp thở. Tuy nhiên, chất độc gì và nhiễm độc qua đường nào thì vẫn phải đợi kết luận cuối cùng”, ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, nói.
Do bệnh nhân Vạn loại trừ các nguyên nhân tai nạn do ngộ độc thực phẩm và đặt vấn đề về yếu tố “xịt thuốc diệt côn trùng”, nên nghi vấn đổ dồn về phía khách sạn.
Học sinh dị ứng nghỉ học vì trường phun thuốc diệt muỗi
Hồi tháng 8/2017, trường THCS Quang Trung - Đống Đa, Hà Nội có nhiều học sinh đã phải nghỉ học vì bị dị ứng do trước đó nhà trường đã phun thuốc muỗi.
Một phụ huynh có con học lớp 7 chia sẻ cháu bị ngứa, mặt mề đay sưng đỏ rất khó chịu. Ngay sau khi có thông tin từ bậc phụ huynh về trẻ bị “ngộ độc” thuốc diệt muỗi từ trường, Trường THCS Quang Trung đã có thông báo gửi tới phụ huynh học sinh với nội dung như sau: "Nếu học sinh nào mẩn ngứa nhiều cô giáo cho nghỉ học buổi chiều. Bố mẹ tra thuốc mắt cho các con. Nếu ngứa thì chườm đá! Trong trường hợp mẩn mề đay thì cho uống thuốc dị ứng! Rất mong các vị phụ huynh thông cảm và theo dõi sức khỏe của các con".
Ngày 15/8, đại diện ban lãnh đạo nhà trường cũng xác nhận có một vài trường hợp học sinh bị dị ứng thuốc muỗi. Theo thầy giáo Nguyễn Văn Tùng - Phó hiệu trưởng, phụ trách Trường THCS Quang Trung: "Thứ 2 đầu tuần (14/8) khi các em đi học buổi sáng sau đó, tại lớp 9A4 và 7G2 có khoảng 10 em học sinh bị dị ứng, ngứa tay hoặc cay mắt. Ngay lập tức tôi cùng với giáo viên chủ nhiệm đến kiểm tra tình hình và gọi điện thông báo cho phụ huynh các em. Được biết trước đó, chiều thứ Sáu tuần trước (11/8) nhà trường tổ chức phun thuốc diệt muỗi tại tất cả các phòng học để chống dịch sốt xuất huyết. Đơn vị phun thuốc diệt muỗi là đơn vị có uy tín và sau khi phun thuốc diệt muỗi xong khoảng một tiếng đồng hồ nhà trường đã mở cửa sổ và tổ nhân viên vệ sinh đã lau chùi, dọn dẹp trường lớp cẩn thận. Có thể, trong lúc phun vì nhân viên phun vệ sinh đã tính toán, phun kỹ từng góc cạnh nên vẫn còn lưu thuốc lại.
Muỗi chưa chết, người đã ngộ độc
Tháng 6/2011, anh Nguyễn Văn Chính (ngụ phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng- Hà Nội) vì sợ cả nhà bị sốt xuất huyết (SXH) nên chưa vào hè đã bỏ ra hơn 1 triệu đồng để thuê một công ty chuyên diệt muỗi, côn trùng đến nhà phun thuốc.
Theo anh Chính, hóa chất diệt muỗi cũng chỉ đuổi muỗi được chưa đầy một tháng chứ không phải 3 - 6 tháng như họ quảng cáo. Đó là chưa kể mùi hóa chất rất khó chịu, mất tới 3 - 4 ngày cả gia đình phải sơ tán vì vợ và con gái anh luôn buồn nôn, bị nổi mẩn ngứa khắp người.
Nghi ngờ về tính hiệu quả của loại thuốc diệt muỗi mà công ty nọ phun tại nhà mình, anh Chính mang vỏ lọ hóa chất diệt muỗi đã phun nhờ một người bạn có chuyên môn xem giùm. Hóa ra trong thành phần của hóa chất ghi trên bình thuốc diệt muỗi đó chứa một số chất tác động làm tăng nhịp tim, chóng mặt, gây suy hô hấp, nếu bị ảnh hưởng kéo dài có thể gây ung thư.
Theo các chuyên gia Viện Sốt rét Ký sinh trùng và côn trùng Trung ương, phun hóa chất diệt muỗi là một trong những giải pháp quan trọng để phòng chống SXH nhưng không trừ được tận gốc nguồn lây truyền, phát bệnh này, bởi hóa chất không diệt hết được bọ gậy (trứng muỗi).
Hơn nữa, hóa chất nào cũng có chất độc, tuy nồng độ không đáng kể và còn tùy thuộc vào phản ứng của mỗi người nhưng trẻ em thường rất nhạy cảm với các loại hóa chất này. Ngay cả người lớn, nếu tiếp xúc với một lượng thuốc diệt muỗi đáng kể trong thời gian ngắn, khả năng ngộ độc cấp tính cũng có thể xảy ra.