Cầu “đỏ” hóa đen
Ngay sau Tết Dương lịch, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) đã tiếp nhận một ca sốc, ban hoại tử toàn thân. Gia đình bệnh nhân cho biết, ngày 31/12, để liên hoan tất niên, bệnh nhân đã mua lợn cắp nách của dân bản về làm thịt, chế biến tiết canh và mời hơn 20 bạn bè đến liên hoan.
|
Ca liên cầu lợn do bệnh nhân ăn lợn liên hoan tất niên tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: BSCC |
Tuy nhiên, sau 5 ngày ăn tiết canh, bệnh nhân bị sốt cao, mệt lả và trên da xuất hiện các ban hoại tử. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – phụ trách khoa Cấp cứu cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán bị liên cầu lợn. Các ban hoại tử đã lan khắp toàn thân, tắc mạch làm hoại tử đầu ngón chân, ngón tay, rối loạn đông máu nặng. “Tuy bệnh nhân qua cơn nguy hiểm nhưng phải điều trị tích cực dài ngày, gia đình phải chi phí hàng trăm triệu đồng” – bác sĩ Cấp cho biết.
Theo bác sĩ Cấp, năm nào cũng vậy, cứ từ Tết Dương lịch đến qua Tết Nguyên đán, bệnh viện lại tiếp nhận nhiều ca liên cầu lợn. Nguyên nhân chủ yếu là do các bệnh nhân liên hoan tất niên tự thịt lợn ăn đụng, ăn tiết canh để “đỏ cả năm”… “Sai lầm chính là mọi người cho rằng, lợn tự thịt, tự chọn sẽ không bị bệnh. Tuy nhiên, rất nhiều lợn mang vi khuẩn liên cầu mà không hề có các triệu chứng bệnh. Đồng thời không phải ai ăn lợn bệnh cũng bị nhiễm bệnh mà còn phụ thuộc cơ địa mỗi người” – bác sĩ Cấp nói.
Theo bác sĩ Cấp, mỗi năm, bệnh viện thường tiếp nhận khoảng 100 ca bệnh nhiễm liên cầu lợn, đặc biệt các ca bệnh tập trung vào những ngày nghỉ lễ dài, nhất là Tết Nguyên đán. Có không ít ca bệnh liên cầu lợn nhập viện ngay giờ khắc giao thừa. Không chỉ bản thân người bệnh mà cả gia đình đều phải “xông viện” ngày Tết.
“Đừng nghĩ lợn thả rông, lợn mán, lợn cắp nách sạch. Vi khuẩn có thể cư trú trong vùng họng của lợn mà không gây bệnh. Do đó, chỉ cần mổ thịt lợn, chăm sóc lợn mà tay chân bị xước hoặc ăn tiết canh, nem, thịt chưa chín đều có nguy cơ nhiễm bệnh” – bác sĩ Cấp khuyến cáo.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, mỗi năm, việc lạm dụng rượu bia khiến 2,5 triệu người tử vong, cao hơn so với đại dịch HIV/AIDS. Sử dụng quá nhiều rượu bia còn là nguyên nhân gây ra hơn 20 bệnh trực tiếp và hơn 200 bệnh gián tiếp liên quan đến rối loạn tâm thần, ung thư, gan, tim mạch, nguyên nhân gây ra 60% số vụ tai nạn giao thông.
“Hung thần” rượu
Bác sĩ Cấp cũng cho biết, đợt nghỉ Tết Dương lịch, khoa cấp cứu cũng đã tiếp nhận 2 bệnh nhân bị ngộ độc rượu nặng. Tuy họ được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng các bác sĩ đành bó tay.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cứ đến lễ tết số ca ngộ độc lại tăng gấp 2-3 lần. Như đợt Tết Dương lịch vừa qua, ngày nào trung tâm cũng tiếp nhận 2-3 ca ngộ độc rượu và đã có 1 bệnh nhân tử vong. Bệnh nhân tử vong đã uống rượu liên tục 3-4 ngày, sau đó rơi vào tình trạng hôn mê, huyết áp tụt, tổn thương não và ngừng tim, suy thận. Dù bệnh nhân đã được nỗ lực cứu chữa nhưng vẫn bị suy thận, tổn thương não nghiêm trọng không có khả năng phục hồi. Kết quả xét nghiệm cho thấy, hàm lượng rượu cồn công nghiệp (methanol) trong máu lên tới gần 300mg/100ml máu (trong khi chỉ trên 20mg/ml máu đã là ngộ độc methanol).
Theo TS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai), dịp tết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 100-130 ca cấp cứu, không có biến động so với ngày thường. Tuy nhiên, có nhiều ca nhập viện do ngộ độc rượu, chảy máu đường tiêu hóa, viêm tụy cấp. Đây đều là những “nạn nhân” của việc ăn uống không điều độ, uống rượu nhiều và uống nhiều ngày.
GS Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) cũng chia sẻ, số ca cấp cứu do viêm tụy cấp vì uống rượu nhiều cũng gia tăng trong dịp tết. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là nam giới và là những “tín đồ” của bia rượu. “Có những bệnh nhân đang “chén chú chén anh” bỗng thấy khó thở, vã mồ hôi, bụng đau dữ dội… rồi gục ngay tại bàn tiệc, đưa vào viện được chẩn đoán là viêm tụy cấp. Đáng nói, chi phí điều trị viêm tụy cấp khá lớn, khoảng hơn 100 triệu đồng. Cũng có bệnh nhân đến viện thì đã muộn” – GS Bình cho biết.
Ngày tết đi chơi nhiều, ăn uống thất thường, sức đề kháng của trẻ em kém, do đó rất dễ bị bệnh. Phụ huynh lưu ý cần đưa con đi viện ngay khi con có các biểu hiện sốt cao trên 39 độ, giảm sốt không hiệu quả; khó thở, ngủ li bì…”.
PGS - TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai