Chiến tranh lạnh vì bàn chuyện ăn Tết ở đâu
Hai tuần nay, ngày nào chị Vũ Thị Mai Dung trú tại Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội cũng hỏi chồng năm nay ăn Tết ở đâu. Mặc dù biết câu trả lời của chồng nhưng chị Dung vẫn cứ muốn hỏi, hy vọng một sự thay đổi.
Quê chị Dung ở Bắc Giang, quê chồng ở Thái Bình. Hai vợ chồng cưới nhau được 10 năm nay, con lớn đã học lớp 3 nhưng 10 năm đi làm dâu chưa năm nào chị được về ngoại ăn Tết.
Mỗi dịp Tết đến, chị Dung cảm thấy nhớ nhà, thương bố mẹ. Ước ao được về ăn Tết với mẹ một lần dường như quá xa vời với chị. Chồng chị cho rằng bà ngoại ở Hà Nội trông con cho vợ chồng chị cả năm đã gần con cháu rồi thì Tết phải về nhà nội ăn Tết. Năm nào cũng thế phải đến mùng 4 Tết chị mới được ghé qua thăm bố mẹ. Nhiều năm phải đi làm sớm thì coi như cả đợt nghỉ Tết ở nhà nội luôn.
|
Ngày Tết sum vầy ai cũng muốn về bên cạnh người thân của mình. |
Cùng hoàn cảnh với chị Dung, chị Nguyễn Xuân Hương, trú tại Mễ Trì, Hà Nội tâm sự lấy chồng 7 năm chưa năm nào chị nghĩ sẽ được về nhà ngoại ăn Tết. Quê chị Hương ở Hà Nam, còn quê chồng ở Hà Tĩnh nên năm nào cả nhà cũng về Hà Tĩnh ăn Tết đến mùng 4, mùng 5 ghé qua nhà ngoại chốc lát là lên Hà Nội đi làm.
“Cứ nghĩ mẹ mình đã 70 tuổi, chẳng biết còn được đón Tết với mẹ được mấy lần nữa mà nước mắt cứ chảy dài” - chị Hương tâm sự. Chồng chị là con trai cả, duy nhất trong nhà nên chị có ngỏ lời ở nhà ngoại ăn Tết cũng bị gạt phắt đi. Chỉ vì chuyện về nhà nội hay nhà ngoại ăn Tết là vợ chồng chị lại chiến tranh lạnh cả tháng trời nên đành thôi.
Còn trường hợp của chị Hoàng Thị Yên trú tại thành phố Hải Phòng thì lại khác. Nhà chị Yên và nhà chồng cách nhau khoảng 2km, vợ chồng chị sống ở Hà Nội và cứ 28 Tết là về quê. Nhưng 8 năm lấy chồng chưa cái Tết nào chị được về nhà mẹ đẻ đón Tết với mẹ. Mẹ chị sinh được 3 cô con gái đều đi lấy chồng xa, bố chị qua đời hơn chục năm nay nên Tết nào bà cũng chỉ lủi thủi một mình đón Tết đến mùng 2, mùng 3 con cháu mới về nhưng cũng chỉ ghé qua rồi lại đi. Cứ nghĩ đến ngày Tết mẹ một mình đón giao thừa, năm nào chị cũng khóc.
Tết nhà nội đông vui hai, ba gia đình con trai ở Hà Nội cùng về nhưng nhà ngoại chỉ có một mình mẹ chị. Thế nhưng, mẹ chồng chị cũng nói luôn dù nhà chồng có chật chội thì ngày Tết cứ cũng phải ở nội.
Chị Yên tâm sự muốn về với mẹ nhưng nhà chồng không đồng ý vì họ nghĩ xuất giá tòng phu và ngay cả mẹ của mình cũng không muốn con về vì không muốn con bị nhà chồng quở trách, không muốn vợ chồng con cái lục đục ngày đầu năm.
Lập “cuộc cách mạng”
Khoảng 2 tuần nay trên các diễn đàn, mạng xã hội “phong trào” muốn về ngoại ăn Tết xuất hiện và có lượng thành viên phát triển khá nhanh. Trên Facebook, các chị em còn lập hội “Hội phụ nữ muốn về ngoại ăn Tết” với trên 2000 thành viên trong đó chị em đều chia sẻ khát khao muốn được về nhà ngoại ăn Tết một lần và kêu gọi cần lập cuộc "cách mạng" để được như ý nguyện.
Chia sẻ về tâm lý muốn về nhà ngoại ăn Tết của các chị em phụ nữ, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng ngày Tết nguyên đán được coi là dịp đoàn tụ, sum vầy, nên hầu như ai cũng muốn được ở bên ruột thịt, những người gắn bó với họ từ thời nhỏ để quây quần ôn lại những kỷ niệm đã qua và có thể nói câu chuyện đầu năm. Tâm lý muốn về nhà ngoại của chị em vì thế rất dễ hiểu và cần được tôn trọng, thông cảm.
Ngay cả người đàn ông họ cũng muốn về bên người thân của họ nên xảy ra mâu thuẫn ai cũng muốn về nhà người đó.
Có nhiều nàng dâu thủ thỉ họ cảm thấy lạc lõng, xa lạ khi ở nhà chồng ăn Tết nhưng theo ông Chất người chồng của họ lại rất tự hào vì vợ thu vén việc nhà chồng, nhà chồng thoải mái khi được con dâu về ăn Tết.
Theo ông, sự bất đồng về mong muốn, nảy sinh mâu thuẫn giữa vợ chồng khi đưa ra quyết định ăn Tết ở đâu là điều hầu như nhà nào cũng gặp phải. Vấn đề là, các đôi cần giải quyết khéo léo. Người vợ có thể hỏi chồng, cùng bàn bạc thay vì muốn làm cuộc cách mạng. Còn người chồng nên cân đối chứ không nên phân biệt nội, ngoại, mà dựa vào hoàn cảnh từng bên gia đình, dựa vào khoảng cách đường xá, sức khỏe của con cái thay vì ép cứ phải bên nội bên ngoại tính sau khiến cả gia đình đều không có ngày Tết vui vẻ.