Những tác dụng chữa bệnh tuyệt vời của cây đại

Google News

Các bộ phận như vỏ thân, vỏ rễ, hoa, nụ hoa, lá tươi và nhựa của cây hoa đại đều có thể dùng làm thuốc trong y học dân gian.

Cây hoa đại còn được gọi bằng những tên khác như miến chi tử, kê đản tử, chăm pa… và tên khoa học là Plumeria rubra L. var. acutifolia (Poir.) Bailey, thuộc họ trúc đào (Apocynaceae).
Nhung tac dung chua benh tuyet voi cua cay dai
 Hoa đại. (Ảnh minh họa: Internet).
Đây là loại cây thường được trồng làm cảnh quanh chùa, đền và các công viên vì dáng đẹp, hoa thơm.
Trong y học dân gian, báo Nông nghiệp thông tin, các bộ phận của cây hoa đại đều có thể dùng làm thuốc như vỏ thân, vỏ rễ, hoa, nụ hoa, lá tươi và nhựa cây, nhưng sử dụng nhiều nhất là hoa. Toàn cây chứa một loại kháng sinh thực vật là fulvo plumierin, có tác dụng ức chế sự tăng sinh và phát triển của một số vi khuẩn mycobacterium tuberculosis.
Theo bác sĩ Hoàng Xuân Đại, từng bộ phận khác nhau của cây đại có những công dụng khác nhau, chẳng hạn như trong vỏ thân có glucozit là agoniadin và một chất đắng là plumierit. Vỏ thân và rễ hơi có độc, vị đắng, tính mát.
Hoa đại được nhiều người sử dụng chữa cao huyết áp. Cách dùng: Lấy từ 12-20g hoa đại (loại khô), đem sắc (nấu) lấy nước, uống thay trà trong ngày.
Được biết, ngoài dùng hoa, dân gian còn dùng vỏ thân hay vỏ rễ để làm thuốc tẩy (thay cho vị thuốc đại hoàng) và chữa thủy thũng (loại bệnh do công năng bài tiết thủy dịch trong cơ thể mất bình thường). Cách thức dùng 5-10g vỏ thân hay vỏ rễ sắc lấy nước đặc, chia ra 3 lần uống trong ngày. Cũng có thể chế vỏ cây thành cao đặc và sử dụng với liều 0,2 - 0,5g/ngày, có thể tăng dần lên tới 1-2g/ngày.
Trong khi đó, nhựa mủ chứa thành phần chủ yếu là axit plumeric nên có thể dùng để tẩy xổ và chữa thủy thũng. Tuy nhiên, người suy nhược, già yếu, phụ nữ có thai, tiêu chảy không nên dùng do các thành phần trong cây đại có tác dụng tẩy xổ khá mạnh và hơi có độc.
Dân gian cũng dùng lá cây hoa đại chữa bong gân, sai khớp, mụn nhọt. Để chữa bong gân, dùng một lá tươi rửa sạch, giã nhuyễn, trộn với một ít muối ăn đắp lên chỗ sưng. Sau đó, dùng một ít lá tươi khác, hơ lên lửa cho héo và đắp lên phía ngoài rồi cố định lại bằng băng hoặc bằng vải sạch. Ngày đắp 1-3 lần liên tục như vậy 1-2 ngày tùy theo bệnh nặng hay nhẹ.
Để chữa đau nhức hay mụn nhọt cũng dùng lá tươi giã nhuyễn, đắp vào những nơi bị bệnh.
Theo T.C/Người Đưa Tin

>> xem thêm

Bình luận(0)