Có nhiều người đã phải bỏ ra một số tiền lớn để quyết tâm thay đổi tạo hóa, tìm đến vẻ đẹp nhân tạo. Mải mê làm đẹp, họ quên mất yếu tố an toàn, sẵn sàng chịu đựng mọi đau đớn mà không biết rằng có những loại phẫu thuật thẩm mỹ không nên làm vì quá nhiều rủi ro, thậm chí tàn phá cơ thể con người.
Những phẫu thuật thẩm mỹ không nên áp dụng
Theo các chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật thẩm mỹ thì có một số loại phẫu thuật thẩm mỹ cần tránh như: phẫu thuật cấy nở và chuyển vị trí ngực, phẫu thuật kéo dài chân và làm chân to ra, phẫu thuật làm thay đổi khuôn mặt, dùng hóa chất làm tan mỡ các vùng trên cơ thể, phẫu thuật cấy nở mông...
Đối với phương pháp làm tan mỡ bằng hóa chất hiện nay thực chất là dùng chất hóa học có tên gọi lipostabil để tiêm vào các lớp mỡ trong cơ thể, nhằm phá vỡ cấu trúc của khối mỡ thừa ở những khu vực cần làm đẹp. Biện pháp này có thể gây ra những đau đớn, hiện tượng sưng tấy, phù nề... cho cơ thể.
Phần lớn những loại hóa chất dạng này không hề nằm trong danh mục các loại thuốc mà nhiều tổ chức y tế trên thế giới cho phép, chẳng hạn như chất lipostabil không được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép sử dụng.
Phương pháp cấy nở ngực đồng thời chuyển vị trí của ngực cũng là phẫu thuật khó. Việc kết hợp đồng thời hai quy trình này trong một cuộc phẫu thuật sẽ khiến bạn đối mặt với nhiều biến chứng. Đó là vì mục đích của hai loại phẫu thuật này trái ngược nhau.
Trong khi phẫu thuật chuyển vị trí là loại bỏ bớt da thừa, làm ngực nhỏ lại, đẩy hai "núi" gần hoặc xa nhau hơn, thì khi cấy nở ngực bác sĩ phải tìm cách kéo căng phần da còn lại để có thể chứa thêm phần ngực nở ra. Ngoài ra, bệnh nhân cũng đối mặt với các nguy cơ khác như trong mỗi phẫu thuật đơn lẻ, như nhiễm trùng, lộ phần cấy, ngực lệch nhau, mất cảm giác ở đầu vú...
Theo BS. Trần Thiết Sơn - Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn thì, "thời gian cho một ca phẫu thuật nâng ngực kéo dài từ 55 - 60 phút, nếu thời gian mổ quá lâu, khả năng nhiễm trùng sẽ cao hơn".
|
Phẫu thuật kéo dài chân gây đau đớn và có nhiều rủi ro nhất. Ảnh minh họ. |
Đối với những người muốn phẫu thuật kéo dài chân, dù đã có nhiều lời cảnh báo về sự nguy hiểm của phương pháp này, ThS.BS. Mai Mạnh Tuấn - Viện Thẩm mỹ HN vẫn muốn nhấn mạnh: "Tất cả các phẫu thuật đều có tỷ lệ tai biến, biến chứng nhất định. Một số phẫu thuật thẩm mỹ có tỷ lệ biến chứng cao tự nhiên như phẫu thuật kéo dài chân".
Đây là loại phẫu thuật đau đớn và thời gian hồi phục lâu nhất. Cũng không ít trường hợp không may đã xảy ra, đa số là các sự cố về nhiễm trùng, lớp xương mới không liền xương hay can xương yếu ảnh hưởng đến quá trình vận động, có người còn bị tàn tật suốt đời. Với phẫu thuật làm chân to ra là cả một quá trình phức tạp từ bơm hóa chất tới tạo hình khối của chân. Cảnh báo nguy hiểm của phương pháp này có thể tổn thương thần kinh, thậm chí dẫn tới đau kinh niên hệ thống thần kinh chi khi vận động.
Ai không nên làm phẫu thuật thẩm mỹ?
Những người tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ đều có những lý do riêng của mình như ngực quá nhỏ, mũi tẹt, béo phì... Theo ThS.BS. Mai Mạnh Tuấn thì: "Phẫu thuật thẩm mỹ vùng mặt được nhiều người tìm đến. Những cải thiện trên khuôn mặt thường giúp mang lại sự hoàn mỹ, trẻ trung làm thay đổi cảm nhận về tuổi tác".
Một số khác tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ do chấn thương, tai nạn... Đây cũng là một nhu cầu thiết yếu của những người không may mắn muốn tìm lại vẻ ban đầu của chính mình. Ngoài ra, đối với một số trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh khiến các em tự ti, xa lánh mọi người, trong trường hợp này, nếu được can thiệp sớm sẽ giúp các em có được cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia thì những người trẻ dưới 18 tuổi không nên phẫu thuật thẩm mỹ vì đối tượng này đang trong giai đoạn phát triển thể chất, những thay đổi của cơ thể sau đó có thể làm hỏng các phẫu thuật thẩm mỹ đã làm. Ngoài ra, những người trên 40 tuổi hay người mắc chứng huyết áp thấp, bị các bệnh về tim mạch, mắc các chứng bệnh mạn tính như hen suyễn, các bệnh dị ứng... cũng không nên tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ.
BS. Sơn cho rằng: "Phẫu thuật thẩm mỹ không đơn giản, phải có nền tảng sức khỏe tốt để trải qua một cuộc phẫu thuật".
Đối với phương pháp phẫu thuật nâng mũi, BS. Trần Thiện Tư - Trung Tâm giải phẫu thẩm mỹ Trần Thiện Tư cho rằng: "Để thực hiện phẫu thuật này, bệnh nhân phải chịu hai ca mổ, một để lấy xương hoặc sụn và một để nhận mảnh ghép. Tuy nhiên, về thẩm mỹ thì sau một thời gian, mảnh ghép sẽ thay đổi như xương bị mòn đi, sụn cong lại chút ít. Người được phẫu thuật rất hay đau sau mổ, nơi lấy mảnh ghép đau nhiều hơn ở mũi. Do đó, nên suy nghĩ kỹ khi quyết định sửa mũi bằng sụn hay xương của cơ thể mình”.
Bất kỳ một hình thức làm đẹp nhanh nào cũng có những tác động hai mặt của nó, "Muốn tránh những tác động bất lợi đối với sức khỏe cũng như đạt được kết quả mong muốn, mỗi khách hàng cần phải biết rõ nhu cầu thẩm mỹ của mình, tìm hiểu đầy đủ chi tiết về kỹ thuật sẽ thực hiện, lựa chọn bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ thật tin cậy, cân nhắc kỹ cái được và cái mất của phẫu thuật thẩm mỹ, đừng để tiền mất tật mang, ân hận suốt đời" - ThS.BS. Mai Mạnh Tuấn khẳng định.