Ông Somsak Akksilp, Vụ trưởng Vụ Dịch vụ y tế, Bộ Y tế Thái Lan, nói với Reuters rằng, Bangkok đang đàm phán một thỏa thuận mua thuốc kháng virus molnupiravir. Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) đều đang đàm phán để mua loại thuốc này.
Philippines đang thử nghiệm molnupiravir và hy vọng việc này sẽ giúp tiếp cận nguồn cung. Các quốc gia đều từ chối cung cấp thông tin về quá trình đàm phán.
Nhiều quốc gia vội vã đặt hàng sau khi số liệu từ các cuộc thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc uống của Merck có thể giảm 50% tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong ở nhóm người dễ rơi vào tình trạng nặng nếu mắc COVID-19. Được thiết kế để đưa lỗi vào bộ gien của virus, molnupiravir dự kiến sẽ trở thành thuốc chống COVID-19 đầu tiên qua đường uống được cấp phép.
Nhiều quốc gia châu Á muốn bảo đảm nguồn cung sau khi khốn khổ trong cuộc đua tìm nguồn cung cấp vắc-xin COVID-19 thời gian qua.
“Chúng tôi đang xúc tiến một thỏa thuận với Merck, dự kiến hoàn tất trong tuần này. Chúng tôi đặt trước 200.000 liều”, ông Somsak cho biết. Ông nói rằng lô hàng có thể được giao vào tháng 12, dù thuốc phải chờ được Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ và cơ quan chức năng Thái Lan cấp phép.
Ngày 4/10, lần đầu tiên kể từ giữa tháng 7, số ca mắc COVID-19 ở Thái Lan giảm xuống dưới 10.000. Nước này đã tiêm 55,5 triệu mũi vắc-xin, với khoảng 31% dân số được tiêm đủ liều.
Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm qua cho biết sẽ mua 300.000 liều thuốc của Merck, trong bối cảnh bang Victoria ghi nhận số ca mắc cao kỷ lục từ khi đại dịch xảy ra ở nước này, với 1.763 trường hợp.
Úc dự kiến sẽ nhận được thuốc vào đầu năm sau nếu được cơ quan chức năng nước này cấp phép. Một liều thuốc molnupiravir yêu cầu uống 2 viên mỗi ngày trong 5 ngày liên tục đối với bệnh nhân trưởng thành, ông Morrison cho biết.
Phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu cho biết, Brussels có thể triển khai một kế hoạch mua chung cho cả khối, tương tự chiến lược về mua vắc-xin, nhưng chưa có thông tin cụ thể nào về việc mua thuốc của Merck.
Phát ngôn viên Bộ Y tế Đức cho biết, chính phủ Đức đang theo dõi tiến triển của các loại thuốc mới, nhưng từ chối cho biết liệu nước này có đặt mua thuốc của Merck hay không.
Merck dự kiến có thể sản xuất 10 triệu liều thuốc COVID-19 đến cuối năm nay. Hãng đã ký hợp đồng với chính phủ Mỹ để cung cấp 1,7 triệu liều molnupiravir với giá 700 USD/liều.