Thực phẩm chức năng (TPCN) là mặt hàng lợi nhuận cao nên tình trạng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rất đáng lo ngại. 50% sản TPCN vi phạm về chất lượng và nhiều người phải nhập viện vì TPCN giả, không đảm bảo.
Ngày 29/12, Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế phối hợp với Báo Lao động đã tổ chức hội thảo bảo vệ người tiêu dùng sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN).
TPCN được đưa vào Việt Nam từ năm 2000 với 13 công ty kinh doanh, nhập khẩu, có 63 sản phẩm với tên gọi Thực phẩm thuốc. Nhưng hiện tại Việt Nam đã có hơn 3000 cơ sở sản xuất và kinh doanh nhóm TPCN, bao gồm cả thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tỷ lệ sản xuất trong nước chiếm hơn 60% số sản phẩm, nhập khẩu hơn 30%. Nhu cầu sử dụng TPCN gia tăng rất nhanh và ngày càng phổ biến ở các thành phố lớn.
|
Hội thảo bảo vệ người tiêu dùng sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) |
Theo khảo sát, số người sử dụng TPCN tại Hà Nội là 63% người trưởng thành, tại TP HCM là khoảng 43% người trưởng thành. Cũng do đây là mặt hàng lợi nhuận cao nên tình trạng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh TPCN rất đáng lo ngại, TPCN nhái, giả, kém chất lượng còn khá nhiều, nhiều người vì sử dụng TPCN giả, không đảm bảo chất lượng đã phải nhập viện điều trị tại các bệnh viện, đặc biệt là Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng…
Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ – Bộ Công Thương cho biết, TPCN chỉ có một số chức năng nhất định chứ không phải thuốc chữa bách bệnh và cũng giống như thuốc nếu lạm dụng, sử dụng quá liều TPCN sẽ lợi bất cập hại.
Tuy nhiên, hiện nay dân ta vẫn còn nhận thức hạn chế, rất nhiều người có tâm lý chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh bằng các phương thức truyền miệng, nghe nói cái gì tốt cũng sẵn sàng mua về sử dụng ngay mà không cần tìm hiểu kỹ về công dụng thực sự của nó. Lợi dụng tâm lý này, vừa qua qua theo dõi, vi phạm trong quảng cáo TPCN rất phổ biến, rất nhiều sản phẩm được quảng cáo thổi phồng công dụng, lừa đảo người dân, khiến người dân bị hão huyền.
TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, qua thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về TPCN thời gian qua, những vi phạm phổ biến nhất là: sản xuất, kinh doanh TPCN không đúng chất lượng đã được công bố; quảng cáo TPCN sai sự thật, cường điệu hóa, thần thánh hóa công dụng của TPCN; sản xuất TPCN ở nơi không đảm bảo vệ sinh…
Trong năm 2015, chỉ tính riêng Cục ATTP đã phát hiện vi phạm và xử lý 251 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN với tổng số tiền phạt lên tới trên 4,5 tỷ đồng. Ngay trong tuần này, Cục đang hoàn thiện hồ sơ xử lý thêm 18 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN có sai phạm.“Chưa năm nào Cục ATTP phát hiện, xử lý số cơ sở sai phạm về ATTP nói chung, TPCN nói riêng nhiều đến vậy” – ông Nguyễn Thanh Phong nói.
Ông Trần Hùng – Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, tình trạng sản xuất TPCN giả đang khá phổ biến. Chỉ trong 3 tháng gần đây, từ 15-7 đến 15-10-2015, cơ quan chức năng đã thanh kiểm tra, phát hiện và xử lý 3.823 vụ việc vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN; thu nộp ngân sách nhà nước đến 22,319 tỷ đồng; trị giá hàng hóa, tang vật tiêu hủy 19,803 tỷ đồng; khởi tố 4 vụ án hình sự với 5 đối tượng. Đơn cử như vụ thu giữ 20 tấn TPCN giả, có nhiều thành phần không đúng như doanh nghiệp công bố tại Hà Nội, hay vụ thu giữ 12 tấn TPCN giả, không rõ nguồn gốc tại Quận 7- TP HCM...
Phần lớn các mặt hàng TPCN làm giả, kém chất lượng đều được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, về đến Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ. Đáng nói, những sản phẩm làm giả này đều được bán ra thị trường với giá cao hơn hàng thật. Các vi phạm khá đa dạng: giả mạo về thành phần, chất lượng không đạt tiêu chuẩn đã đăng ký công bố, ghi nhãn sai và giả mạo bao bì, xâm phạm sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, vi phạm về thông tin, quảng cáo sản phẩm…
Theo nhận định của PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp về dược phẩm, mặc dù thị trường TPCN bùng nổ trên thế giới nhưng khái niệm về TPCN đang còn rất mơ hồ.
Do thiếu định nghĩa chính xác, thống nhất và quy chế quản lý khác nhau, thiếu sự hòa hợp giữa các quốc gia… chính là những yếu tố góp phần làm cho thị trường TPCN rối loạn, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển như nước ta - nơi mà hệ thống thể chế còn chưa hoàn chỉnh, quy mô của các cơ sở sản xuất kinh doanh còn nhỏ lẻ, manh mún, không đủ khả năng về khoa học công nghệ và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp còn thấp. Tình hình này có thể thấy rõ ở Việt nam, theo một số đánh giá, khoảng 50% sản phẩm TPCN được kiểm tra trên thị trường có vi phạm về chất lượng với những hình thức rất tinh vi.
Muốn khắc phục thực trạng này, theo ông Nguyễn Phú Cường, một mặt phải kiểm soát, siết chặt quản lý TPCN nhưng mặt quan trọng hơn là phải tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu đúng, nhận thức đúng về TPCN. Lực lượng quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 hay thanh tra ATTP có thể mỗi năm phát hiện xử lý đến hàng nghìn vụ vi phạm về TPCN nhưng đó vẫn chỉ xử lý trên mặt nổi, nếu 90 triệu dân hiểu không đúng, dùng không đúng TPCN thì không thể thay đổi được thực trạng này.