Nhập viện cấp cứu sau khi bị gà mổ
Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ gần đây tiếp nhận bệnh nhân nữ N.T.L (55 tuổi, tại huyện Thanh Ba, Phú Thọ) bị gà trống mổ vào đùi phải gây đau, sưng nề, nóng đỏ và sốt cao phải đi cấp cứu.
Báo Sức khỏe và Đời sống dẫn lời bệnh nhân ngày 14/8 cho biết, trước khi nhập viện 3 ngày, trong lúc ra vườn hái quả bơ, chị bị 1 con gà trống tấn công, con gà to (khoảng 4kg) lao tới mổ vào đùi phải. Chỗ mổ bị đau, sưng nóng đỏ, ảnh hưởng đến việc đi lại.
Nhưng lúc đó do chủ quan, chị L. chỉ ở nhà bôi thuốc. Một ngày sau, chị bị sốt gần 40 độ C, uống thuốc không đỡ nên đã đến Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
|
Hình ảnh vết mổ trên đùi phải của người bệnh bị gà trống tấn công. Ảnh: BVCC/Sức khỏe Đời sống. |
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã khám và làm các xét nghiệm, siêu âm cần thiết. Kết quả cho thấy người bệnh bị viêm mô tế bào đùi cẳng chân phải.
Các bác sĩ đã dùng huyết thanh kháng độc tố uốn ván, kháng sinh phổ rộng kết hợp với giảm đau chống viêm. Sau điều trị 3 ngày, người bệnh cắt sốt và đỡ đau.
Nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người" sau khi bị gà mổ
Tháng 1/2021, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới tiếp nhận bệnh nhi Dương Lan P. (6 tuổi, ngụ phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) trong tình trạng sốt cao, viêm tấy bàn chân và đùi trái. Bệnh nhi được các bác sĩ xác định bị mắc bệnh do vi khuẩn Burkholderia pseudomalei (còn gọi là vi khuẩn “ăn thịt người”) gây nên.
Báo Dân Việt dẫn lời bác sĩ cho biết, chỉ 1 ngày nhập viện, tình trạng viêm tấy lan ra rất nhiều nơi trong cơ thể bệnh nhân, sau đó tạo thành các ổ áp xe. Xác định đây là một ca bệnh nặng, phức tạp có thể nguy hiểm đến tính mạng nên các bác sĩ dùng kháng sinh, lên phác đồ điều trị và tích cực xét nghiệm để tìm nguyên nhân.
Bệnh viện cũng đã hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia đầu ngành tại Bệnh viện Nhi Trung ương để khẳng định chẩn đoán và phương pháp điều trị tiếp theo nhằm tránh tái phát và các biến chứng cho bệnh nhân.
Các bác sĩ khẳng định những vết mổ của gà vào cơ thể bệnh nhân đã vô tình giúp vi khuẩn Burkholderia pseudomalei xâm nhập.
Sau khi được cấp cứu, bệnh nhi qua giai đoạn nguy hiểm nhưng phải tiếp tục theo dõi và điều trị.
|
Ảnh minh họa. |
Co cứng toàn thân sau khi bị gà mổ
Tháng 9/2017, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận bệnh nhân N.V.M 48 tuổi ở Hải Dương.
Theo thông tin trên báo Tiền Phong, ông M. bị gà mổ vào đầu gối, vết thương rất nhỏ nên tự liền sau vài ngày. Tuy nhiên, sau 1 tuần, ông M xuất hiện cứng hàm tăng dần. Vào bệnh viện tỉnh Hải Dương, ông M xuất hiện co cứng toàn thân, có nhiều cơn co giật, được chẩn đoán uốn ván.
Ngay sau đó, ông M được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị.
Theo bác sĩ, triệu chứng dễ nhận biết nhất của bệnh uốn ván là cứng hàm. Khởi đầu, người bệnh thường mỏi hàm, sau đó tiến tới cứng hàm, há khó, ăn uống khó khăn, dễ bị nhầm lẫn với bệnh lý về tai biến hoặc sái khớp hàm. Bệnh chuyển nặng khi người bệnh cứng cơ toàn thân (cứng lưng, cứng bụng, cứng tay chân), lên cơn co giật tại nhà, khó thở, thở rít.
Do vậy, người bệnh có triệu chứng cứng hàm không biết rõ nguyên nhân nên đến ngay cơ sở y tế để bác sĩ nhận định bệnh cảnh.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân khi bị các vật nuôi (chó, mèo, gà, ngỗng….) tấn công, để lại những tổn thương như chảy máu, đau nhức, sưng đỏ,... thì nên đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị sớm, tránh những hậu quả không mong muốn như bị uốn ván, nhiễm trùng tại chỗ, nhiễm khuẩn máu…
>>> Mời độc giả xem thêm video: Phương pháp mới phát hiện vi khuẩn trong vài phút