Suýt mất mạng sau khi ăn lòng lợn
Gần đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận và điều trị cho nữ bệnh nhân 59 tuổi, tại Hà Nội, bị sốc nhiễm khuẩn sau khi ăn lòng lợn.
Thông tin trên báo Người Lao Động cho biết, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết có viêm màng não, kèm theo suy hô hấp.
|
Các tổn thương trên da do liên cầu lợn gây ra cho bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp/Báo Người Lao Động. |
Theo người nhà bệnh nhân, cách thời điểm nhập viện 4 ngày, bệnh nhân và gia đình có ăn lòng lợn nhưng không ăn tiết canh. Sau bữa ăn một ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, liên tục rét run, kèm đi ngoài phân lỏng 5 lần/ngày, buồn nôn, nôn ra thức ăn, đau đầu âm ỉ, đau mỏi toàn thân. Sang ngày thứ 2, bệnh nhân xuất hiện mảng tím đen trên da vùng mặt.
Gia đình đưa đến cơ sở y tế trong tình trạng lơ mơ, huyết áp tụt, tổn thương da dạng ban tím toàn thân, xét nghiệm khí máu toan chuyển hóa nặng, được thở ôxy, lọc máu liên tục, cấy máu, dịch não phát hiện có vi khuẩn liên cầu lợn.
Sau 2 ngày điều trị tích cực, tình trạng của nữ bệnh nhân được cải thiện.
Được biết, đây là bệnh nhân mới nhất mắc liên cầu khuẩn lợn được ghi nhận ở Hà Nội. Trước đó, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội ngày 16/7, thành phố ghi nhận trường hợp thứ 12 bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn trong năm 2023. Đó là người đàn ông 60 tuổi ở thôn Đông, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì.
Báo Vietnamnet đưa tin về trường hợp này cho biết, trước khi nhập viện, bệnh nhân thường xuyên ăn sáng tại các quán lòng lợn tiết canh. Ngày 20/6, ông xuất hiện đau mỏi hai bên thắt lưng kèm run tay chân. Sau đó, bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư và được kê thuốc giảm đau và về nhà điều trị nhưng không đỡ.
Một ngày sau, bệnh nhân thấy đau lan lên vùng vai gáy, kèm theo ý thức chậm chạp, được người nhà đưa đến phòng khám Quảng Tây. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi đột quỵ và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì điều trị.
Ngày 24/6, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, đau đầu, cứng gáy, ý thức chậm và được chẩn đoán theo dõi viêm màng não mủ, sảng rượu và được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105 hai hôm sau. Tại đây, bệnh nhân cũng được chẩn đoán theo dõi viêm màng não mủ, nghiện rượu, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
Tại cơ sở y tế này, kết quả xét nghiệm cấy máu và dịch não tủy cho thấy, bệnh nhân dương tính với liên cầu lợn.
Dấu hiệu nhận biết bệnh liên cầu lợn ở người
Vi khuẩn gây bệnh liên cầu Streptococcus suis có hình ô van hay bầu dục, bắt màu Gram dương (+) và sắp xếp thành chuỗi. Nó có thể sống ở nhiệt độ 60 độ C trong 10 phút, 50 độ C trong 2 giờ và 10 độ C trong 6 tuần.
|
Ảnh: MSDM. |
Bệnh thường xuất phát từ thói quen ăn tiết canh và ăn thịt lợn ốm, chết, thịt chưa được nấu chín hoặc tiếp xúc với lợn bị bệnh, lợn chết mà không có đồ bảo hộ…
Được biết, thời gian ủ bệnh liên cầu lợn ở người ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Người bệnh thường có biểu hiện như sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau như xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa.
Thông tin trên báo Sức khỏe và Đời sống cho hay, trong bệnh liên cầu lợn hay gặp là nhiễm khuẩn huyết (vi khuẩn liên cầu lợn vào máu, nhân lên nhanh chóng và đồng thời tiết ra nhiều độc tố).
Khi nhiễm khuẩn huyết, ngoài các triệu chứng trên, người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng, biểu hiện như tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, trụy tim mạch, suy hô hấp và có thể tử vong nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Một số trường hợp xuất hiện nhiễm độc đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa (đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, có máu). Người bệnh cũng có thể bị viêm màng não do vi khuẩn liên cầu lợn với biểu hiện như sốt cao, co giật, nôn vọt, sợ ánh sáng... Nếu phát hiện sớm có thể cứu chữa được, nếu không thì có thể gây phù não, hôn mê và tử vong.
Do vậy, khi nghi ngờ mắc liên cầu lợn, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để được khám và chữa trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
>>> Mời độc giả xem thêm video: 82 người tại Phú Yên ngộ độc thực phẩm