Hàng loạt trẻ nhập viện sau tiêm vắcxin Quinvaxem
Gần nửa năm trước, Bộ Y tế quyết định tạm dừng sử dụng vắcxin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng khi có 5 trẻ tử vong sau tiêm, trong đó 4 ca được kết luận không do vắcxin. Sau đó, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo kết quả kiểm nghiệm các lô vắcxin Việt Nam gửi đến đều đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Từ thông báo của Tổ chức Y tế thế giới về chất lượng vắcxin Quinvaxem, mới đây Bộ Y tế đã quyết định cho sử dụng tiêm trở lại loại vắc xin này trên toàn quốc. Được biết, vắcxin Quinvaxem được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 6/2010 theo diện viện trợ, dùng để phòng các bệnh: ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Loại vắcxin này được sử dụng ở 34 quốc gia trên thế giới, tiêm cho trẻ lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi.
Tuy được chứng nhận là an toàn nhưng mới đây, tại huyện Cái Lậy, tỉnh Tiền Giang đã xảy ra tình trạng hoàng loạt trẻ nhập viện sau khi tiêm vắc xin này, khiến tâm lý của phụ huynh hết sức hoang mang và lo lắng.
Theo đó, tính đến chiều ngày 26/10, Sở Y tế Tiền Giang cho biết đã ghi nhận 27 trẻ ở các địa phương nhập viện theo dõi sốt sau khi tiêm văcxin Quinvaxem trong chương trình quốc gia tiêm chủng mở rộng hai ngày 25 và 26/10. Trong đó có một trẻ phải chuyển lên BV Nhi đồng 1 theo dõi.
Ông Trần Thanh Thảo - quyền giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết, ngành y tế phát hiện trẻ nhập viện do sốt cao đột ngột sau khi tiêm văcxin Quinvaxem từ trưa 25-10, tức sau khi tiêm chủng khoảng vài giờ. Do trước đây phụ huynh theo dõi, biết các sự cố sau khi tiêm văcxin Quinvaxem nên đã đưa đến bệnh viện theo dõi ngay khi phát hiện con em mình bị sốt bất thường. Trong ngày đầu tiên ghi nhận có 19 trẻ nhập viện theo dõi, đến ngày tiêm chủng thứ hai thì tăng lên 27 trẻ.
Bộ Y tế khẳng định văcxin Quinvaxem an toàn
Theo bảng kết luận gửi đến các cơ quan báo chí, ngày 27/10 đoàn công tác (các bác sĩ ở Viện Pasteur và các bác sĩ ở Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Tiền Giang) đã đến kiểm tra quy trình bảo quản vắc xin, tiêm vắc xin, trực tiếp điều tra cộng đồng tại các xã có nhiều ca bị phản ứng sau tiêm chủng, khảo sát hồ sơ bệnh án và khám thực thể.
Sau kiểm tra, bác sĩ Lê Hoàng San, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, kết luận tình trạng phản ứng sau tiêm chủng vắc xin Quinvaxem ở Tiền Giang là có xảy ra như báo chí nêu. Tuy nhiên, đây chỉ là những phản ứng nhẹ thông thường, nằm trong giới hạn cho phép và không phải do chất lượng vắc xin không tốt. Nguyên nhân trẻ nhập viện sau tiêm chủng đông tại Cai Lậy là do tâm lý vì liên quan đến những trường hợp tai biến sau tiêm chủng được thông tin trước đó.
Còn PGS.TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nói: “Trước tiên, tôi đánh giá cao các bà mẹ đã quan tâm tới sức khỏe của con em mình đưa các cháu tới tiêm chủng phòng bệnh để tránh những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Sau khi tiêm, một số cháu có những biểu hiện phản ứng đã đưa các cháu đến cơ sở y tế để được tư vấn, theo dõi.
Đây là những phản ứng thông thường sau tiêm và tất cả các trường hợp này đều ổn định và đã ra viện. Các dấu hiệu phản ứng này đều nằm trong khuyến cảo của Tổ chức Y tế thế giới sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem.
Tôi xin lưu ý lại rằng, tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng tại Tiền Giang đều là những phản ứng thông thường và khuyến cáo các bà mẹ cũng không nên quá lo lắng về các phản ứng này, mà nên tiếp tục đưa con em mình đi tiêm chủng”.
Sau khi có kết luận về độ an toàn của vắc xin, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang vẫn tiếp tục triển khai tiêm vắc xin Quinvaxem 5 trong 1 tại các địa phương. Riêng huyện Cai Lậy, loại vắc xin này sẽ được tiêm lại trong đợt tiêm chủng mở rộng tháng 11 sắp tới.
Hiện cả nước có khoảng 17.000 điểm tiêm chủng, mỗi tháng có khoảng 400.000 trẻ được tiêm chủng. Để đảm bảo công tác tiêm chủng được an toàn, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng và triển khai tới tất cả các địa phương.