Sẽ không một phụ nữ nào có thể chấp nhận sống mãi bên 1 người chồng lúc nào cũng coi thường nhà ngoại. Họ có thể nhẫn nhịn 1 thời gian nhưng bảo cả đời tôn trọng, gắn bó và hi sinh vì người đàn ông ích kỷ, vô tâm thì không người vợ nào tình nguyện cả.
Mới đây mạng xã hội cũng chia sẻ tâm sự của một người vợ trẻ về cuộc sống hôn nhân bí bách của mình.
Chuyện gia đình cô như sau: "Đợt mới cưới mình với chồng đã cãi nhau 1 trận nảy lửa vì việc anh ấy so sánh, bì tị của hồi môn giữa hai nhà nội ngoại cho. Ngày cưới, bố mẹ chồng trao cho 2 đứa mình khá nhiều vàng, cả lắc tay, nhẫn, kiềng cộng lại là gần 2 cây. Nhà ngoại không có điều kiện nên chỉ trao cho mình 1 chiếc lắc tay 3 chỉ. Chồng mình thấy vậy liền tỏ thái độ coi thường, nói rằng nhà ngoại cho mình có từng ấy của hồi môn thì có khác gì để con gái tay trắng về nhà chồng.
Ức chế với chồng, đợt đó dù mới cưới mình cũng to tiếng vì không thể chấp nhận được lối suy nghĩ tính toán, sân si đó của anh".
Bài chia sẻ của người vợ.
Cũng vì chồng luôn phân biệt với gia đình nhà ngoại khiến người vợ luôn thấy mệt mỏi, căng thẳng sau khi kết hôn. Vì nhiều lý do, cô cố gắng giữ hòa khí gia đình những mong chồng mình thay đổi. Tuy nhiên, mỗi ngày anh một sống ích kỷ với nhà vợ hơn khiến cô bức xúc vô cùng.
"Chồng em luôn suy nghĩ nhà anh ấy cho con cái gì thì bên nhà em cũng phải cho bằng ngần ấy. Anh chưa từng nghĩ tới điều kiện kinh tế của bên ngoại. Trong khi đó, em về làm dâu nhà anh luôn cố gắng tận tâm chăm sóc bố mẹ chồng còn anh chưa bao giờ biết chủ động hỏi han bố mẹ vợ. Thậm chí bố em ốm nằm viện nửa tháng anh còn viện lý do bận không tới thăm ông. Ngược lại bố mẹ anh chỉ yếu người một chút là em cơm bưng nước rót phục vụ hết lòng.
Cách đây 1 tuần, bố mẹ chồng gọi 2 đứa em sang nói sẽ chia cho mảnh đất để xây nhà lên ở, đỡ phải thuê trọ nữa. Được ông bà nghĩ cho như thế, em cũng cảm động, biết ơn vô cùng. Vậy nhưng vợ chồng vừa quay về phòng trọ, em bàn với chồng là sổ tiết kiệm của hai đứa cũng có vài trăm thì lấy luôn ra xây nhà cho sớm. Thiếu sẽ đi vay thêm vào, ai ngờ vừa dứt lời chồng em đã quắc mắt bảo: 'Bố mẹ tôi cho đất rồi, tiền xây nhà là phần nhà ngoại phải lo. Không có chuyện ngoại không bỏ ra thứ gì mà con gái vẫn được hưởng không bên nhà chồng như thế'.
Tới đây thì em thật sự nản hẳn. Thú thực chưa bao giờ em có tư tưởng sống dựa vào bố mẹ dù là nội hay ngoại nên không có ý nghĩ bố mẹ phải có trách nhiệm cho em như thế nào. Hơn nữa em xây nhà, chắc chắn bố mẹ em cũng sẽ cho con gái tuy nhiên không phải theo cách chồng em đòi hỏi là nội cho từng nào, ngoại phải cho từng ấy. Ức chế, em trả lời chồng: 'Thôi, anh giữ lại đất của bố mẹ anh đi. Tôi không sống trên mảnh đất đó đâu mà anh lo tôi hưởng không từ nhà chồng.
Tôi nói với anh lần này là lần cuối, tôi đi lấy chồng chưa báo hiếu được bố mẹ tôi ngày nào nên không có chuyện tôi về đòi hỏi bố mẹ tôi phải cho tôi ngần nào của cho xứng với nhà chồng. Mỗi người có một cách thương yêu, lo cho con riêng của mình. Anh đừng mang tiền ra làm bàn cân để so sánh sự quan tâm của hai bên nội ngoại. Như thế là có lỗi với cả 2 bên bố mẹ đó'.
Nói xong em dọn luôn đồ về ngoại tuyên bố hai đứa tốt nhất nên tách nhau 1 thời gian để suy nghĩ lại xem thật sự có nên tiếp tục bước tiếp khi tư tưởng, quan điểm sống quá khác biệt".
Sự thất vọng, mệt mỏi về chồng của người vợ trong câu chuyện trên là điều ai cũng có thể hiểu. Sống bên người chồng quá thiên vị, tính toán với nhà ngoại sẽ chẳng một phụ nữ nào cam tâm được nên cô có cách hành xử như thế là điều đương nhiên. Mong rằng qua chuyện lần này, người chồng sẽ rút ra bài học cho bản thân để kịp cứu vãn hôn nhân của chính mình.