Trước hết, cần phải hiểu một điều là hệ thống gan mật của y học hiện đại rất gần gũi với tạng can và phủ đởm của y học cổ truyền về cả phương diện sinh lý và bệnh lý nhưng không hoàn toàn đồng nhất. Bởi lẽ, cái gọi là tạng “Can” trong y học cổ truyền bao hàm cả một hệ thống các chức năng phong phú chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề tiêu hoá, trong đó có cả chức năng thần kinh, nội tiết, sinh dục...
|
Ảnh minh họa. |
Vì vậy, để đạt được hiệu quả cao trong phòng bệnh cần tiến hành đối chiếu, lựa chọn các biện pháp cho thật sự phù hợp. Trên cơ sở thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh nói chung, theo y học cổ truyền, những người mang virus viêm gan B không có triệu chứng không nhất thiết phải dùng thuốc bởi vì nhiều khi không những không giải quyết được vấn đề gì mà thậm chí còn bắt gan phải làm việc nhiều hơn để giải độc và làm sạch dòng máu.
Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng có một số người tuy khám xét y học hiện đại không hề phát hiện thấy một dấu hiệu bệnh lý nào nhưng kết quả khám xét qua Tứ chẩn (vọng, văn, vấn, thiết) theo quan điểm của y học cổ truyền lại cho thấy những rối loạn bệnh lý khá sớm và rất tinh tế. Khi đó, việc dùng thuốc là hoàn toàn cần thiết và hợp lý nhưng vẫn phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu sau đây:
- Phải được các thầy thuốc y học cổ truyền khám xét tỉ mỉ, chẩn bệnh chính xác và kê đơn phù hợp.
- Tuyệt đối không vì quá lo lắng và thiếu hiểu biết mà tự ý hoặc nghe người không có kiến thức chuyên ngành sử dụng thuốc y học cổ truyền một cách tuỳ tiện, cẩu thả
Bởi vì, theo quan điểm của y học cổ truyền, bệnh lý của tạng can cũng rất phức tạp gồm: Có hư có thực, có hàn có nhiệt, ngay cả khi can hư yếu cũng phải phân biệt rạch ròi can khí hư, can huyết hư hay can dương hư... để trên cơ sở đó lựa chọn các vị thuốc và bài thuốc cho phù hợp nhằm đạt được hiệu quả trị liệu cao nhất, tránh được những tai biến không đáng có.
Ví dụ như can âm hư thì chất lưỡi phải đỏ, rêu lưỡi ít hoặc không có, mạch huyền tế (các chứng trạng này không thấy ở chứng can dương hư) và khi đó phải dùng các vị thuốc bổ can âm như sinh địa, bạch thược, ô mai... chứ không thể sử dụng các vị thuốc bổ can dương như nhục quế, xuyên tiêu, phụ tử...