Máy đo huyết áp điện tử dễ đọc vì số liệu hiện trực tiếp kết quả trên màn hình. Tiện lợi cho người bị kém thính giác vì không phải nghe nhịp tim. Tuy nhiên máy có giá cao hơn loại đo huyết áp cơ bóp bằng hơi và độ chính xác của máy thay đổi khi cơ thể cử động hay khi nhịp tim không đều và thỉnh thoảng phải tốn thêm chi phí thay pin sau một thời gian sử dụng. Có không ít các trường hợp phải cấp cứu do máy cho kết quả chỉ số huyết áp khác so với thực tế. Do vậy, đo đúng cách là điều rất quan trọng khi sử dụng máy đo huyết áp điện tử.
|
Hãy nhớ số đo huyết áp như số tuổi của bạn. Ảnh minh họa.
|
Thời gian và số lần đo
Người bệnh đo huyết áp tại nhà nên thực hiện vào buổi sáng khi vừa ngủ dậy. Tránh đo khi vừa leo cầu thang, tập thể dục, đi bộ, vừa mới ăn no hay quá đói, quá mệt… vì huyết áp khi đó có thể cao hoặc thấp hơn con số trung thực.
Cần phải đo liên tiếp 3 lần, cách nhau 5 phút rồi lấy chỉ số trung bình trong ít nhất ba ngày liền nhau để kết luận chắc chắn huyết áp có cao hay không. Ngoài ra, người bệnh cần ghi chép lại kết quả mỗi lần đo vào sổ để kiểm soát, tránh việc nhớ nhớ, quên quên không chính xác.
Vị trí đo
Khi dùng máy đo điện tử, người bệnh có thể đo ở bắp tay hoặc cổ tay nhưng thường máy đo ở bắp tay cho độ chính xác cao hơn vì khi đo ở cổ tay, cánh tay khó giữ yên trong quá trình đo. Đối với máy đo ở cổ tay, phải gập cánh tay một góc khoảng 45 độ. Cần chú ý, cả hai cách đo phải đặt điểm cảm ứng trong băng quấn tay nằm ngang với tim.
Tư thế đo
Khi đo huyết áp, người bệnh phải ở trong trạng thái thả lỏng người, thư giãn, ngồi thoải mái trên ghế có dựa lưng, tay đặt trên bàn ngang tim, chân chạm đất, để thẳng không bắt chéo chân.
Thiết bị đo
Cần đảm bảo máy đo đủ năng lượng hoạt động, tốt nhất là thay pin trước khi đo. Không nên để máy đo ở nhiệt độ quá nóng vì có thể gây ra sai lệch 1 - 2 đơn vị. Nhiệt độ trong phòng khi đo cũng cần đảm bảo ở mức độ bình thường, không nên quá lạnh làm mạch máu co lại khiến huyết áp tạm thời tăng cao.
Chú ý khi sử dụng máy đo huyết áp điện tử, mỗi năm một lần, người bệnh nên mang máy đo đến nhờ bác sĩ hoặc y tá kiểm soát xem máy còn hoạt động tốt hay không.