Bác sĩ Ngô Đức Đễ còn nhận rất nhiều huân chương, bằng khen của Bộ Y tế về những đóng góp của mình với ngành y. Với ông, y đức của người bác sĩ đôi khi nó chỉ là cái nắm tay, là ánh mắt, lời thăm hỏi tận tình của người thầy thuốc đối với bệnh nhân.
Gia đình gốc Huế, có đến 8 người công tác trong ngành y, có lẽ đây cũng là cơ duyên khiến ông đến với ngành y. Gắn bó với nghề từ năm 1979, người thầy thuốc này đã thực hiện hàng ngàn ca phẫu thuật, trong đó phải kể đến 2 ca đặc biệt hi hữu mà có lẽ cả đời bác sĩ cũng không thể nào quên.
|
Bác sĩ Ngô Đức Đễ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Lê Xuân - TTXVN |
Đó là thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân bị trượt chân vào máy trộn cà phê bị mất toàn bộ xương chậu, bàng quang, chân bên trái, cột sống đa chấn thương, phải truyền gần 80 đơn vị máu và ca phẫu thuật cứu sống bệnh nhân bị vỡ tim, vết vỡ dài hơn 8 cm.
Đây cũng là 2 ca phẫu thuật cứu sống bệnh nhân hi hữu được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen đột xuất. Khi nhắc lại ca phẫu thuật cho bệnh nhân bị trượt chân vào máy trộn cà phê, bác sĩ Đễ cho biết, đây là trường hợp cực kỳ đặc biệt, gần 40 năm công tác trong ngành y bác sĩ chưa từng gặp.
Nhìn thấy bệnh nhân nằm trên cáng, không còn nguyên vẹn hình người mà bác sĩ không khỏi bàng hoàng, hốt hoảng. Nhưng có lẽ trong tình thế cấp bách, không còn sự lựa chọn, buộc người thầy thuốc phải lấy lại bình tĩnh, quyết định nhanh để tranh giành sự sống cho bệnh nhân.
Bác sĩ Đễ tâm sự: “Mặc dù tiên lượng tình trạng của bệnh nhân rất xấu, khó qua khỏi, nhưng còn nước còn tát, chúng tôi vẫn cố gắng hết sức để giành lại sự sống cho người bệnh. Đội ngũ y bác sĩ thực hiện ca mổ ngày hôm đó đã có những giây phút căng thẳng tưởng chừng như không thể chịu đựng nổi khi 2 lần bệnh nhân ngưng tim ngay trên bàn mổ”.
Còn đối với ca phẫu thuật cứu sống bệnh nhân bị vỡ tim cũng là ca đặc biệt do tâm lý không được chuẩn bị ngay từ ban đầu. Bác sĩ cho biết, bệnh nhân bị tổn thương tim nhưng không có biểu hiện ra bên ngoài. Do tim đã bị rạn nứt từ trước, đến khi các bác sĩ tiến hành cưa xương ức kiểm tra, lúc này, gặp áp lực máu khiến tim bị vỡ tung ra. Đây cũng là ca phẫu thuật lớn, đặc biệt nhất trong cuộc đời cầm dao mổ mà bác sĩ đã từng gặp.
Năm 2015, bác sĩ Ngô Đức Đễ đã tiến hành phẫu thuật thành công cho cụ bà Nguyễn Thị Chiên (100 tuổi) với khối u nặng 13 kg. Theo bác sĩ, do cụ bà đã cao tuổi, hơn nữa khối u rất lớn, khả năng dẫn đến rủi ro cao khiến cho cuộc phẫu thuật trở nên khó khăn hơn.
|
Bác sĩ Ngô Đức Đễ. Ảnh: Lê Xuân - TTXVN |
Chị Nguyễn Thị Thu Liễu, người nhà của cụ Chiên cho biết, khi đưa cụ vào bệnh viện, gia đình không nghĩ sẽ cứu được mà chỉ mong kéo dài được ngày nào hay ngày đó. Tuy nhiên, điều kỳ diệu đã đến với cụ và gia đình, ca phẫu thuật không chỉ thành công mà đến nay sau 2 năm cụ vẫn sống khỏe mạnh, vui vẻ cùng con cháu. Có được điều kỳ diệu như vậy phải nhờ vào trình độ chuyên môn của bác sĩ và hơn hết là cái tâm trong nghề, luôn hết mình để cứu chữa cho bệnh nhân của đội ngũ bác sĩ mà trong đó bác sĩ Đễ là người phẫu thuật chính.
“Khi đưa cụ Chiên đến gặp bác sĩ, điều khiến chúng tôi nhớ nhất là ánh mắt lo lắng, nụ cười hiền hậu của vị bác sĩ già dành cho bệnh nhân khiến chúng tôi tin tưởng, an tâm. Sau hơn 2 năm thực hiện ca phẫu thuật cho cụ Chiên, bác sĩ Đễ vẫn thường xuyên gọi điện động viên, thăm hỏi tình hình sức khỏe của cụ”, chị Liễu chia sẻ.
Bác sĩ Đễ tâm sự, trong suốt gần 40 năm cầm dao mổ, đối với những ca tổn thương nặng, đôi tay người thầy thuốc không đơn giản chỉ là thao tác chuyên môn, mà còn phải khéo léo, tâm huyết với nghề để giành giật và nâng niu sự sống cho mỗi bệnh nhân. Nhớ có những lần sau khi thực hiện xong ca mổ dài, căng thẳng, có những lúc kiệt sức tới mức giọt mồ hôi lăn dài trên trán nhưng cũng không còn sức để gạt đi. Đối với bác sĩ, khi hành nghề y, quan trọng nhất vẫn là cái tâm của người thầy thuốc.
Nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, tuyên dương vì những thành tích đã đạt được trong ngành y, bác sĩ vẫn giữ cho mình phong cách giản dị, thái độ ân cần và đặc biệt hơn đó là sự quan tâm chia sẻ đối với những bệnh nhân của mình. Đây cũng là lời nhận xét rất chân tình của các bệnh nhân và người nhà về thái độ và cách làm việc của bác sĩ Đễ.
Dù tuổi đã cao, nhưng bác sĩ vẫn tiếp tục cống hiến trí tuệ của mình cho ngành y. Quan điểm của bác sĩ Ngô Đức Đễ, là người thầy thuốc luôn phải để cái tâm của nghề lên đầu. Nó liên quan trực tiếp đến sự sống và cái chết, do vậy đối với bản thân và toàn bộ các y bác sĩ trong ngành y luôn phải cố gắng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm mọi lúc mọi nơi để áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công cuộc cứu người. Y khoa là nghề không có điểm dừng, càng làm, càng học, càng rút ra được nhiều điều, càng thấm thía được rằng hiểu biết của bác sĩ là có hạn.