Ngày 25/8, Bệnh viện Đại học Y dược (BV ĐHYD) TPHCM cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị nôn ra máu và đi tiêu phân đen do tự dùng thuốc giảm đau.
Kể với bác sĩ, bà S cho biết cách đó 4 ngày, bà có đến nhà thuốc để tự mua thuốc giảm đau celecoxib uống với liều 200 mg, 2 lần/ngày vì sưng đau và bong gân ở mắt cá chân.
Trước đó, bà đang được điều trị bệnh tim mạch tại địa phương (tăng huyết áp và rung nhĩ) nhưng không báo cho cho dược sĩ tiệm thuốc tây việc mình đang dùng thuốc tăng huyết áp và rung nhĩ.
|
Lạm dụng thuốc giảm đau có thể dẫn đến dị ứng ngoài da, suy gan, thủng dạ dày, xuất huyết đường tiêu hóa, phù toàn thân, suy hô hấp và tử vong.
|
Tại BV ĐHYD TPHCM, bà S được bác sĩ chẩn đoán xuất huyết dạ dày nghi do thuốc giảm đau celecoxib (nhóm NSAID). Ngay sau đó, bà được ngưng celecoxib và thuốc kháng đông. Sau khi được nội soi cầm máu và điều trị nội khoa, bà S được xuất viện trong tình trạng ổn định.
Bác sĩ cảnh báo, các thuốc giảm đau chống viêm có cả dạng tiêm và uống dễ mua trên thị trường. Nhiều người lạm dụng thuốc giảm đau mà không lường trước hết được hậu quả đáng sợ của nó. Chẳng hạn như bệnh nhân có thể bị xuất huyết tiêu hoá, thủng dạ dày với các biểu hiện nôn ra máu, đại tiện ra máu, đại tiện phân đen....
Ngoài ra cũng có nhiều trường hợp sau khi dùng thuốc chỉ thấy bụng ậm ạch, khó tiêu... song khi nội soi đã thấy xung huyết, viêm loét cấp tính dạ dày – tá tràng (bệnh salami). Đặc biệt, đã có trường hợp bệnh nhân tử vong do lạm dụng các loại thuốc này.
Đa số các loại thuốc giảm đau đều có tác dụng kìm hãm sự sản xuất niêm mạc bảo vệ thành dạ dày, gây chảy máu dạ dày. Thậm chí vết loét xuất hiện suốt thời gian dài mà không biểu hiện triệu chứng nào, cho đến khi dạ dày bị thủng hoặc xuất huyết nặng mới được phát hiện.
Vì thế, người dân không nên tùy tiện dùng thuốc giảm đau nếu không có chỉ định của bác sĩ. Khi có bệnh cần đi khám bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn. Khi bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau, người bệnh cần chú ý khai báo có cơ địa dị ứng, tình trạng đường ruột, dạ dày để bác sĩ lựa chọn thuốc phù hợp hoặc tư vấn thời điểm uống thuốc thích hợp.
|
Người dân không nên tùy tiện dùng thuốc giảm đau nếu không có chỉ định của bác sĩ. |
Bên cạnh đó, một điểm lưu ý quan trọng là bệnh nhân tuyệt đối không được uống thuốc giảm đau khi đói vì có thể gây viêm, loét dạy dày, nặng hơn là xuất huyết, thủng đường tiêu hóa. Các loại thuốc giảm đau đều được khuyên dùng sau bữa ăn no. Bệnh nhân cũng không nên tuỳ tiện tăng liều thuốc giảm đau để phòng những biến chứng đáng tiếc.
Sau khi uống thuốc giảm đau, nếu thấy những triệu chứng như ngứa, nổi mề đay, khó thở, lên cơn hen suyễn hoặc đau bụng dữ dội, đau không giảm, nôn ói… bệnh nhân cần nhanh chóng đến bệnh viện để cấp cứu. Những người có bệnh tim mạch, bệnh thận mạn, viêm gan, sau khi uống cảm thấy khó chịu hoặc cảm giác khác lạ cũng cần đến viện.
Mời độc giả theo dõi video "Hiểm họa từ thuốc giảm cân". Nguồn: VTC.
PGS.TS.DS Đặng Nguyễn Đoan Trang – Trưởng khoa Dược BV ĐHYD TPHCM cho biết, để sử dụng thuốc giảm đau hợp lý, hiệu quả và an toàn, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau mà phải có sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ. Đồng thời, người bệnh cần cung cấp đầy đủ thông tin cho các bác sĩ và dược sĩ về triệu chứng, mức độ đau, tiền sử dùng thuốc điều trị… nhằm giúp lựa chọn loại thuốc giảm đau phù hợp, tránh các biến chứng có thể xảy ra. Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc như: không được tự ý nhai, bẻ hay nghiền viên thuốc; không tự thay đổi liều sử dụng, mua thêm thuốc hay ngưng thuốc đột ngột.