Người đàn ông bị sốc nhiễm khuẩn, thận ứ mủ do sỏi niệu quản

Google News

Bác sĩ CKI Phạm Minh Đức – Phó trưởng khoa CC, HSTC&CĐ cho biết thận ứ mủ hay mủ thận là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của sỏi tắc nghẽn.

Vừa qua, các bác sỹ khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực & Chống độc – Trung tâm Y tế huyện Yên Lập đã cấp cứu và chuyển tuyến cho người bệnh H.V.C, 45 tuổi (địa chỉ: xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập) bị sốc nhiễm khuẩn do sỏi đường tiết niệu biến chứng..
Qua khai thác bệnh sử, người bệnh C. có sỏi thận bên phải được phát hiện từ 2/2023. Trước vào viện 1 ngày, người bệnh xuất hiện đau bụng trên rốn, đau thắt lưng 2 bên lan lên phía đốt sống ngực, cổ, ở nhà chưa dùng thuốc gì. Cùng ngày vào viện, người bệnh đau dữ dội, sốt cao rét run, kèm theo khó thở, đau tức ngực trái, được người nhà đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Yên Lập.
Nguoi dan ong bi soc nhiem khuan, than u mu do soi nieu quan
Ảnh minh họa. 
Tại đây, các bác sỹ khám lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết khác cho người bệnh. Kết quả chụp CT-scanner ổ bụng cho thấy hình ảnh Ứ dịch đài bể thận phải, niệu quản phải do sỏi kẹt niệu quản cùng bên đoạn 1/3 dưới: Đài bể thận giãn. Kết quả chụp CT-Scanner ngực có hình ảnh dày tổ chức kẽ thùy dưới phổi phải, tổn thương viêm đông đặc thùy dưới phổi trái, tràn dịch khoang màng phổi trái. Người bệnh được chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn/ứ nước, ứ mủ đài bể thận/theo dõi áp xe phổi. Xử trí thở oxy, bù dịch điện giải, thuốc vận mạch, thuốc kháng sinh.
Người bệnh tiên lượng bệnh rất nặng, nguy cơ diễn biến, có thể tử vong bất kì lúc nào, cần phải điều trị tích cực song song giữa cấp cứu sốc nhiễm trùng bằng các thuốc và lọc máu và phẫu thuật giải quyết nguyên nhân gây ứ nước ứ mủ dài bể thận do sỏi kẹt niệu quản.
Các bác sỹ đã tư vấn giải thích cho người nhà về tình trạng bệnh, những nguy cơ và biện pháp cần phải tiến hành điều trị để cứu sống người bệnh. Sau khi trao đổi thống nhất, người bệnh đã được chuyển tuyến an toàn xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ để tiếp tục điều trị.
Tại tuyến tỉnh, người bệnh được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, toan chuyển hóa, suy đa tạng, ứ mủ đài bể thận do sỏi niệu quản, viêm phổi thùy. Người bệnh được đặt ống nội khí quản, thở máy, dùng kháng sinh, bù dịch, vận mạch, điều chỉnh toan kiềm, lọc máu hấp phụ. Hiện tại người bệnh an thần, thở máy qua nội khí quản, duy trì lọc máu, vận mạch, toan chuyển hóa cải thiện, suy thận, tiên lượng rất nặng.
Đáng nói là, đây là một trong số nhiều ca bệnh rất nặng do ứ mủ thận do sỏi mà Trung tâm Y tế huyện Yên Lập tiếp nhận trong thời gian gần đây. Không may trong số đó đã có những trường hợp người bệnh tử vong do thận nhiễm trùng nặng dẫn đến sốc, suy đa tạng.
Bác sĩ CKI Phạm Minh Đức – Phó trưởng khoa CC, HSTC&CĐ cho biết thận ứ mủ hay mủ thận là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của sỏi tắc nghẽn. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, tử vong. Nhiễm khuẩn có nhiều cơ hội phát triển ở người bệnh sỏi tắc nghẽn có bệnh nền tiểu đường, suy giảm miễn dịch.
Bác sĩ khuyên người bệnh sỏi tắc nghẽn nên được theo dõi sát và điều trị nội hoặc ngoại khoa kịp thời, tránh tình trạng dồn ứ nước tiểu trong thận, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng, mà còn có thể dẫn đến suy thận. Với người bệnh sỏi không tắc nghẽn nên định kỳ tầm soát sỏi để theo dõi kích thước, vị trí sỏi, tránh nguy cơ sỏi tăng kích thước làm tắc đường dẫn nước tiểu.
Để phòng ngừa sỏi, nên ăn uống lành mạnh, uống nhiều nước, hạn chế ăn mặn, nước ngọt có ga hay đồ uống dạng sủi bọt, thực phẩm chứa nhiều oxalat như rau có màu xanh đậm, các loại hạt, sản phẩm làm từ đậu nành… Ngoài ra, không nên nhịn tiểu và thường xuyên tập thể dục.
Giang Thu

>> xem thêm

Bình luận(0)