Nhập viện vì ngộ độc thuốc tê
Gần đây, một người đàn ông 62 tuổi ở Quảng Ninh suýt chết sau khi tiêm thuốc tê để làm răng. Báo Pháp luật Việt Nam đưa tin, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã tiếp nhận một bệnh nhân (62 tuổi) nhập viện trong tình trạng tê bì tay chân, tức ngực, khó thở...
Gia đình bệnh nhân cho biết, trước vào viện khoảng 2 giờ, bệnh nhân đau răng và đến khám tại một phòng khám răng hàm mặt tư nhân trên địa bàn. Bệnh nhân được tiêm thuốc tê để chữa răng. Sau khi tiêm, bệnh nhân xuất hiện tình trạng tê bì tay chân, khó thở, tức ngực...được bác sĩ của phòng khám cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ và chuyển đến bệnh viện.
Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định đây là ca ngộ độc thuốc tê toàn thân, nên đã tiến hành cấp cứu theo phác đồ xử trí ngộ độc thuốc tê. Sau khoảng 3 giờ, bệnh nhân ổn định, chuyển khoa Hồi sức tích cực chống độc tiếp tục điều trị. Ngày 30/10, bệnh nhân đã khỏi và được ra viện.
|
Ảnh minh họa. |
Trước đó, vào tháng 10/2020, một sản phụ tử vong vì ngộ độc thuốc tê. Báo Người Lao Động dẫn báo cáo cho biết, sản phụ P.T.K.D (25 tuổi, ngụ ở xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) được người nhà nhập viện vào Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phúc Hưng vào 7 giờ sáng 13/10.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán sản phụ mang thai lần 2, 39 tuần, có dấu hiệu tiền chuyển dạ. Vì có vết mổ cũ ở lần mang thai đầu nên lần này sản phụ được chỉ định mổ đẻ.
Đến 10 giờ cùng ngày, sản phụ được đưa vào phòng mổ và được gây tê tủy sống bằng thuốc Bupivacain WPW Spinal 0.5% Heavy. Chỉ sau đó 5 phút, sản phụ xuất hiện triệu chứng đau tê vùng mông rồi co giật hai chân.
Lúc này, kíp mổ đã xử lý bằng cách gây mê toàn thân cho sản phụ và khẩn trương tiến hành mổ lấy thai, đồng thời tiến hành hỗ trợ cấp cứu theo đúng quy định. Bé gái sơ sinh con của sản phụ D. được đưa ra ngoài an toàn, sức khỏe tốt với cân nặng 3kg. Tuy nhiên, sản phụ vẫn xuất hiện triệu chứng co giật toàn thân và tiếp tục được hồi sức tích cực.
Sau khoảng 4 giờ, bệnh không cải thiện và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Đến 17 giờ 13/10, sản phụ tiếp tục được chuyển ra Đà Nẵng, tiên lượng xấu. Trên đường chuyển viện cấp cứu, sản phụ đã tử vong.
Theo Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phúc Hưng, nguyên nhân tử vong được xác định là do bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê trong lúc mổ lấy thai.
Ai có nguy cơ cao bị ngộ độc thuốc tê?
Trong y khoa, tỉ lệ xảy ra ngộ độc thuốc tê thấp, nhưng tỉ lệ tử vong do ngộ độc thuốc tê lại cao.
Theo bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, ngoài yếu tố về liều thuốc sử dụng thì các yếu tố cơ địa của từng người bệnh cũng ảnh hưởng lớn tới tính độc của thuốc tê. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng và mức độ nặng của ngộ độc thuốc tế.
Nhóm người bệnh có nguy cơ ngộ độc cao là bệnh nhân thể trạng gầy, suy dinh dưỡng, mắc các bệnh kèm theo như suy giảm chức năng các cơ quan thận, gan, tim... Trẻ em dưới 6 tháng tuổi, người già cũng là những người dễ nhạy cảm với liều gây độc của thuốc tê.
Dù có tôn trọng tất cả nguyên tắc an toàn khi gây tê thì khả năng ngộ độc vẫn có thể xảy ra, nhất là khi người gây tê không phải trong chuyên ngành gây mê hồi sức. Một số người bệnh có sự nhạy cảm với tính độc thuốc tê dù dùng liều nhỏ.
Khi cần phải dùng thuốc tê cho bệnh nhân, bác sĩ phải khai thác kỹ tiền sử gây tê phẫu thuật trước đó và làm các test dị ứng nếu có nghi ngờ. Biểu hiện phản vệ thuốc tê có nhiều mức độ như nổi mẩn ngứa, mề đay, phù Quincke, nặng có thể sốc phản vệ, khó thở, tụt huyết áp,...
Khi bệnh nhân có các biểu hiện ngộ độc, cần ngưng ngay lập tức việc tiêm thuốc tê và xử lý theo phác đồ điều trị.
>>> Mời độc giả xem thêm video: 82 người tại Phú Yên ngộ độc thực phẩm