The Sun đưa tin, ung thư tuyến tụy là một trong những dạng bệnh nguy hiểm nhất và cứ 4 bệnh nhân thì có 3 người chết trong vòng một năm. Khoảng 10.500 người Anh mắc bệnh ung thư tuyến tụy mỗi năm và việc điều trị gần như luôn thất bại.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới về vắc xin đang mở ra hy vọng trong việc điều trị bệnh ung thư này.
|
Vắc xin này giúp bệnh nhân tạo ra tế bào bạch cầu "sát thủ" có thể kiềm chế ung thư tuyến tụy. Ảnh minh họa: Alamy. |
Cụ thể, theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering ở New York (Mỹ), vắc xin 9 liều sử dụng công nghệ mRNA, tiêm mã di truyền để tạo ra các tế bào miễn dịch nhắm vào các tế bào ung thư.
Trong thử nghiệm này, vắc xin đã kích hoạt phản ứng miễn dịch ở 8 trong số 16 bệnh nhân ung thư tuyến tụy, các nhà khoa học tiết lộ tại Hội nghị của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ.
Cơ thể của họ sản sinh ra các tế bào bạch cầu "sát thủ" giúp ngăn tình trạng ung thư tái phát trong hơn 18 tháng.
Ung thư phát hiện trở lại ở 6 trong số 8 bệnh nhân không phản ứng với vắc xin, với thời gian tái phát trung bình là 13,4 tháng.
Các nhà khoa học chưa thể lý giải tại sao vắc xin chỉ hiệu quả với một nửa số người tham gia thử nghiệm, nhưng họ hy vọng có thể làm cho vắc xin hiệu quả với tất cả bệnh nhân phẫu thuật.
"Những vắc xin mRNA này dường như kích thích các phản ứng miễn dịch, chúng tôi rất mừng vì điều đó. Kết quả ban đầu cho thấy rằng nếu bạn có phản ứng miễn dịch thì sẽ nhận được kết quả tốt hơn. Tính đến thời điểm này, các bệnh nhân không bị ung thư và vẫn được theo dõi tích cực", Tiến sĩ Vinod Balachandran, tác giả nghiên cứu, cho biết.
Tiến sĩ Chris MacDonald, người đứng đầu nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư Tuyến tụy Anh, cho hay: "Tôi thực sự xúc động khi chứng kiến sự tiến triển về loại vắc xin trị bệnh ung thư này. Thử nghiệm này vẫn còn sớm, quy mô nhỏ nhưng kết quả chắc chắn đầy hứa hẹn. Chúng tôi cần nhiều phương pháp trong việc điều trị bệnh ung thư tuyến tụy, và một loại vắc xin như vậy sẽ là một vũ khí mới quan trọng chống lại căn bệnh ung thư nguy hiểm này".
Tiến sĩ Balachandran nói thêm: “Chúng tôi hy vọng những kết quả này có thể cho phép chúng tôi thử nghiệm công nghệ mRNA này trên các bệnh ung thư khác một cách rộng rãi hơn".