|
Dù tuổi cao sức yếu nhưng cụ Bò vẫn tự lực trong sinh hoạt hàng ngày. |
Sống lành mạnh và trường thọ
Về Bù Đốp, hỏi nhà cụ Bò tên thật là cụ Nguyễn Văn Bò (xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, Bình Phước), không ai là không biết. “Người già nhất Bình Phước”, “Cụ già hiền lành, hay giúp đỡ người khác”… là niềm tự hào của người dân nơi đây và người ta quen gọi cụ là Bảy Bò. Một cụ già 110 tuổi, điều xưa nay hiếm.
Nhưng lại càng quý hiếm hơn khi vào ở độ tuổi ấy, cụ vẫn minh mẫn, hoạt bát, tự lo cho bản thân trong sinh hoạt hàng ngày, không dựa dẫm vào con cháu. Thậm chí, cụ còn làm ra tiền nuôi bản thân bằng việc bốc thuốc chữa bệnh. Cụ là điểm tựa tinh thần cho mọi người mỗi khi tìm đến…
Theo chỉ dẫn của một người dân, tôi tìm đến nhà cụ Bò. Ngôi nhà nhỏ nằm lặng yên bên con đường nhỏ dẫn ra cửa khẩu biên giới Hoàng Diệu với xung quanh là cây cối xum xuê. Một không gian rất trong lành và bình dị. Tôi đến vào giờ nghỉ trưa, đúng lúc cụ Bò đang dùng bữa.
Khó có thể tin nổi vào mắt mình khi nhìn thấy một cụ già 110 tuổi đang từ tốn gỡ từng chiếc xương cá trong món cá chiên và ăn ngon lành. Và có lẽ cũng khó có ai có thể tin cụ già quắc thước trước mặt mình đã 110 tuổi nếu như không nhìn sang khung ảnh gần đó của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam mừng thọ cụ Nguyễn Văn Bò, sinh năm 1905 với chữ ký của Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Cù Thị Hậu.
Không làm phiền cụ dùng bữa, tôi tranh thủ dạo quanh tham quan ngôi nhà. Ngôi nhà ba gian kiểu truyền thống được bày biện hết sức đơn sơ và ngăn nắp. Xung quanh nhà trồng nhiều loại cây ăn quả và một vài loại cây lạ, mà theo phỏng đoán thì là dược liệu cụ dùng để chữa rắn cắn.
Sau khi dùng bữa, cụ thong thả rót trà mời khách. Vì tuổi đã cao nên đôi tai của cụ nghe không rõ lắm, tôi phải ngồi sát bên để dễ nói chuyện. Khi nghe tôi hỏi về
bí quyết để sống thọ đến vậy, cụ cười: “Trời chưa cho chết thì phải sống thôi…”.
|
Chứng nhận mừng thọ của Hội Người cao tuổi Việt Nam, cụ Bò 110 tuổi. |
Nói là vậy nhưng cụ vẫn chia sẻ, cụ có một lối sống lành mạnh, sống đơn giản. May mắn sống qua nạn đói năm 1945 nhờ sức thanh niên trai tráng, rồi qua những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ với bao gian khổ.
Cho đến hôm nay, khi cuộc sống đã đủ đầy, chưa bao giờ cụ động tới bất kì loại chất kích thích nào như thuốc lá, rượu bia. Cụ còn nói: “Chắc do khổ, ăn nhiều rau xanh nên cũng thọ. Chuyện ngày xưa chẳng nhớ lắm. Già rồi…”.
Rồi cụ chỉ tay về hướng bàn thờ nơi đặt di ảnh cụ bà, giơ hai bàn tay lên và nói: “Bả mất 10 năm nay rồi”. Theo như cụ chia sẻ, cả cuộc đời cụ chỉ có một mình bà. Cuộc sống vợ chồng hoà thuận, êm ấm. Và cụ cũng chỉ sinh đúng 2 người con một trai, một gái. Hai người con của cụ nay cũng ngoài 80 tuổi, lên chức cụ rồi.
Cụ bảo: “Cháu nội tôi ở bên kia đường, 60 tuổi rồi đấy”. Và cũng chỉ còn gia đình người cháu nội ấy là ở gần cụ, tiện chăm sóc, giúp đỡ cụ những việc nặng nhọc. Bởi cụ giờ cũng chẳng có nhiều sức mà cầm cuốc, cầm rựa.
Tôi hỏi cụ, tôi muốn được trường thọ như cụ thì phải làm sao, cụ nhìn rồi phán: “Bỏ rượu, bỏ thuốc. Ăn nhiều rau xanh, sống vô tư, tâm tịnh, an nhàn, và đừng lăng nhăng, bồ bịch”. Chia sẻ của cụ tưởng như lời nói đùa nhưng lại chứa đựng nhiều thâm ý. Sống qua hai thế kỉ, hơn trăm năm tuổi, qua những năm tháng đầy biến động mà vẫn còn minh mẫn như cụ quả là một điều rất khó.
Và quan trọng hơn là những lời nhắc nhở của cụ tưởng chừng rất đơn giản ai cũng có thể làm được, nhưng lại rất ít người làm được. Càng khó khăn hơn khi xã hội càng phát triển thì người ta càng lắm bệnh bởi tiếp xúc với nhiều chất độc vô hình của xã hội văn minh hơn.
Còn riêng cụ Bò, cụ sống giữa một không gian xanh mát của cây cối, chim muông, xa cả những tiếng ồn ào của xe cộ. Đau bệnh, cụ dùng chính những kiến thức về đông y, dùng thảo dược để chữa bệnh. Một lối sống lành mạnh luôn đem lại sức khoẻ dồi dào, mặc dù tuổi đã cao.
Sống tốt đời, đẹp đạo
Câu chuyện đang dang dở thì có 2 vợ chồng người S’tiêng dẫn theo đứa con trai nhỏ đến thỉnh cụ chữa bệnh. Không hiểu cháu bé bị bệnh gì, chỉ thấy cụ vẫy cháu bé đang có vẻ rất hoảng hốt, chạy quanh người cha lại, ôm vào lòng và nựng.
Rồi sau đó cụ cầm vòng bạc trên tay người chồng, làm một vài động tác nhỏ rồi đeo vào cổ cháu bé… Cháu bé sau đó ngoan ngoãn rời tay cụ đi về phía người cha.
Ngồi theo dõi cụ làm việc mà chẳng hiểu chuyện gì xảy ra, tôi có mon men đến hỏi chị vợ thì chị bập bõm nói bằng tiếng Kinh: “Cụ đang làm phép đó!”. Theo như chị kể, con trai đang học lớp 1, dạo gần đây lên trường học không hiểu vì sợ gì mà cứ chạy hoài như có ai đuổi đằng sau. Họ đến nhờ cụ “làm phép” vào chiếc vòng bạc đeo cổ cho con để không bị quấy phá.
Sau khi “làm phép” xong, cụ xua tay ra hiệu cho 2 vợ chồng đưa cháu về nhà. Quay sang tôi đang ngồi trợn tròn mắt ngạc nhiên không hiểu tại sao, cụ cười: “Không phải mê tín đâu…”.
Cụ chia sẻ, người dân tộc trọng người già, họ cho rằng người già như cụ có phép nên đến nhờ cụ gia ân cho con họ, ma quỷ không theo quấy phá nữa. Bản thân cụ cũng chẳng có phép gì. Cụ làm vậy chỉ để trấn an cho họ mà thôi. Không hiểu sao cũng hiệu nghiệm. Chắc là vì tâm lý…
|
Cụ Bò tuy tuổi cao vẫn sống một mình trong căn nhà nhỏ giữa vườn cây xanh. |
Cụ tuy già nhưng tự phục vụ. Bằng chứng là dù có cháu nội ở ngay gần bên nhưng chỉ khi nào mỏi mệt lắm cụ mới nhờ nấu giùm bữa cơm. Cụ cũng không phải ngửa tay xin tiền trợ cấp từ cháu bởi cụ có chút kiến thức đông y, đặc biệt là trị rắn độc cắn.
Ở vùng biên giới heo hút, người dân đi làm rẫy, thậm chí những người lính biên phòng gần đó đi rừng bị rắn độc cắn đều đưa đến cụ chữa trị.
Theo chia sẻ của bà Lê Thị Hội (50 tuổi), một người dân sống ở gần đó, cách đây 1 năm, bà đi hái tiêu bị rắn lục đuôi đỏ cắn, mọi người liền đưa đến nhờ cụ Bò chữa trị. Sau 3 lần đắp thuốc, bà đã khoẻ hoàn toàn và đến nay không hề có di chứng gì của nhiễm độc rắn.
Bà tâm sự: “Cụ Bảy (cụ Bảy Bò - pv) là người hiền lành, nhân đức, sống vui vẻ, hoạt bát. Chưa bao giờ thấy cụ to tiếng với ai, lại hay giúp người. Bà con quanh đây ai cũng quý mến cụ… luôn mong cho cụ sống lâu hơn nữa để thành người nhiều tuổi nhất Việt Nam”.
Theo số liệu thống kê của Hội Người cao tuổi tỉnh, hiện nay cụ Nguyễn Văn Bò (SN 1905, ngụ thôn 3, xã Thiện Hưng) là người nhiều tuổi nhất Bình Phước. Dù đã 110 tuổi nhưng cụ Bò vẫn minh mẫn, hoạt bát, tự đi lại, sinh hoạt.
Cụ sống thọ là do lao động và ăn uống điều độ. Thức ăn chủ yếu là rau xanh và uống nhiều lá cây thuốc nam. Đặc biệt, từ nhỏ tới nay cụ không uống rượu, bia và hiện ăn rất khỏe. Cụ Bò cho biết, sống thọ là nhờ tư tưởng thoải mái, vui vẻ, hòa đồng với con cháu và tích cực lao động, ăn uống sạch. Tuổi cao, sức yếu nhưng cụ Bò vẫn kiếm tiền bằng nghề bốc thuốc nam gia truyền.