Theo bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, không chỉ trẻ mà ngay cả người mẹ khi biết con bị xâm hại cũng bị sang chấn tâm lý. Trong quá trình điều trị tâm lý cho bệnh nhi, bà đã gặp không ít trường hợp người mẹ nói sẽ đi giết kẻ gây ra tổn thương cho con mình.
Bác sĩ Trang đề nghị phải có mạng lưới đồng bộ phối hợp giữa nhân viên y tế, pháp y, chuyên viên tâm lý, nhân viên xã hội, công an để tránh khơi gợi lại nhiều lần cho đứa bé và người mẹ về những tổn thương mà họ đã phải trải qua.
|
Theo bác sĩ Trang người mẹ cũng bị sang chấn tâm lý khi con bị xâm hại. Ảnh: Khánh Trung. |
“Hậu quả của việc bị lạm dụng thường để lại cho trẻ rất nặng nề. Vì nghĩ mình không còn giá trị nên nhiều nạn nhân đã buông thả, bỏ nhà đi bụi và làm gái. Nhà trường nên có tham vấn tâm lý học đường để thầy cô giáo nâng đỡ, giúp đỡ cho trẻ”, bác sĩ Trang nhấn mạnh.
Khi thấy con sợ hãi, giận dữ, hay gặp ác mộng ăn uống, học hành giảm sút, mất kiểm soát tiểu tiện, lạm dụng chất kích thích (uống rượu, hút thuốc) cha mẹ cần tìm hiểu bé có bị xâm hại hay không.
Theo bác sĩ Trang, để tránh trẻ bị xâm hại, khi con biết nhận thức (3 tuổi) mỗi tối mẹ phải nói chuyện, dạy cho con biết bộ phận sinh dục là bí mật của riêng con, ngoài mẹ và con không ai được đụng vào.
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, Phòng khám Nhi đồng TP.HCM, cũng khuyên cha mẹ nên nói chuyện giới tính với trẻ. Các bậc phụ huynh cần cho con biết những mối quan hệ nào là an toàn và khi nào thì có nguy cơ nguy hiểm, giới hạn của các mối quan hệ khi giao tiếp.
Cha mẹ cần cho con khả năng nhận biết những tình huống bất thường như "tại sao người đó lại kéo mình ra chỗ ít người? vì sao người đó lại có thái độ lén lút khi giao tiếp với mình?".
Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM, khuyên cha mẹ cần phải dạy con không ai được phép tự tiện đụng chạm, nựng nịu, bẹo má, thậm chí chụp ảnh nếu con không đồng ý. Các con cần biết nói “không” với những đụng chạm không an toàn, khiến các con sợ hãi, đau.