Liên tiếp các biến thể mới hoành hành
Tháng 12/2020, những chiến dịch tiêm chủng đầu tiên bắt đầu được thực hiện ở các nước có thu nhập cao, khiến nhiều người hy vọng cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường.
Một năm sau đó, các nước lần lượt tái áp đặt biện pháp hạn chế khi số ca mắc Covid-19 tăng lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Lý do là vì virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến kể từ khi xuất hiện cách đây hơn 2 năm.
|
Ảnh: Getty |
Đầu tiên là biến thể Beta, lây lan ở Eastern Cape, Nam Phi vào nửa cuối năm 2020. Beta có thể tránh được khả năng miễn dịch ở một mức độ nào đó và nó gây ra làn sóng dịch bệnh thứ hai trong khu vực, đỉnh điểm vào tháng 1/2021. Biến thể Beta sau đó lan rộng trên toàn thế giới nhưng không gây ra làn sóng lớn ở hầu hết các quốc gia khác.
Vào tháng 12/2020, Vương quốc Anh gióng lên hồi chuông cảnh báo về biến thể Alpha, được phát hiện đầu tiên ở Kent từ tháng 9/2020. Alpha có một loạt đột biến mới và có khả năng lây truyền cao hơn biến thể ban đầu. Trong những tháng đầu năm 2021, Alpha đã gây ra một làn sóng dịch bệnh ở châu Âu và Bắc Mỹ cũng như nhiều khu vực khác của thế giới. Ngoại lệ chính là Nam Mỹ, khu vực này không bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì Alpha nhưng lại phải vật lộn với Gamma - biến thể được cho là xuất hiện ở Brazil từ cuối năm 2020.
Dù được phát hiện từ tháng 10/2020, nhưng năm 2021 là năm biến thể Delta hoành hành dữ dội nhất. Ấn Độ, một trong những nước bị tác động nặng nề nhất, ghi nhận hơn 4 triệu ca mắc và hơn 25.000 ca tử vong do Covid-19 trong tháng 4/2021, khiến hệ thống y tế rơi vào khủng hoảng.
Đến tháng 7/2021, Delta đã trở thành biến thể thống trị trên thế giới và càn quét khắp châu Phi, gây ra làn sóng lây nhiễm thứ 3. Số ca mắc và tử vong do Covid-19 tăng đột biến tại nhiều nước trên thế giới, thậm chí cả ở những nước có độ phủ vaccine lớn nhất.
Người ta cho rằng, sự xuất hiện của Delta sẽ khiến các biến thể khác biến mất và các biến thể mới trong tương lai sẽ là đột biến của Delta. Nhưng sau đó, Omicron xuất hiện. Được các nhà khoa học Nam Phi phát hiện đầu tiên vào tháng 11 vừa qua, biến thể Omicron đã nhanh chóng lây lan tới hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hiện tại thế giới đang phải đối phó với 2 mối lo: biến thể Delta vẫn đang hoành hành ở nhiều nước trong khi biến thể Omicron đã nhanh chóng lan rộng. Vẫn chưa rõ liệu Omicron sẽ thay thế Delta hay cả hai biến thể này sẽ tiếp tục hoành hành, làm phát sinh thêm nhiều biến thể mới khác.
Theo SciDev.Net, có thể chắc chăn năm 2022 sẽ bắt đầu với một làn sóng mới của dịch Covid-19 trên toàn cầu do biến thể Omicron và có nhiều lý do để lo ngại về sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm hơn sau Omicron.
Bất bình đẳng vaccine
Tháng 1/2021, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tiết lộ chỉ có 25 liều vaccine ngừa Covid-19 được tiêm tại một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, đồng thời cảnh báo về “một thất bại thảm họa về mặt đạo đức”.
Ông Ghebreyesus thậm chí còn bày tỏ nghi ngờ về khả năng COVAX, cơ chế do WHO hậu thuẫn được thành lập nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận bình đẳng với vaccine ngừa Covid-19, có thể phân phối đủ liều lượng vaccine cần thiết cho các nước để đối phó với đại dịch hay không.
Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng tình trạng thiếu vaccine ở các nước đang phát triển và các nước thu nhập thấp có thể đe dọa những bước tiến trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên toàn cầu.
Do COVAX không thể phân phối vaccine đủ số lượng cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, các nước thu nhập thấp và trung bình bắt đầu chuyển hướng tới các loại vaccine tự sản xuất trong nước.
Sự xuất hiện của Omicron một lần nữa dấy lên cảnh báo về tình trạng bất bình đẳng vaccine toàn cầu như những gì WHO đã nhấn mạnh vào thời điểm bắt đầu đại dịch.
Ở châu Phi, đến cuối năm 2021, chỉ có 27% nhân viên y tế được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19, trong khi tỷ lệ này ở các nước giàu là hơn 80%. Khoảng cách càng rõ rệt hơn khi các quốc gia có thu nhập cao triển khai chiến dịch tiêm mũi tăng cường.
Mặt khác, tác động của Covid-19 đã làm thay đổi thái độ đối với lĩnh vực khoa học trong bối cảnh thế giới bước vào năm thứ 3 của đại dịch.
Theo tổ chức y tế Global Monitor có trụ sở ở Anh, một trong những điểm tích cực trong bối cảnh đại dịch là niềm tin vào khoa học gia tăng ở hầu như tất cả các khu vực trên thế giới./.