Bị phạt 200 triệu đồng
Trong danh sách cơ sở vi phạm lĩnh vực dược - y tế - trang thiết bị y tế tháng 1/2024 do Thanh tra Sở Y tế công bố mới đây, đơn vị bị phạt nặng nhất là Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất và Thương mại Mỹ phẩm Lê Vân (Mỹ phẩm Lê Vân, ấp 2, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) với 200 triệu đồng.
Theo quyết định xử phạt, Mỹ phẩm Lê Vân không bảo đảm điều kiện sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định của pháp luật; kinh doanh hàng hóa trên nhãn có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng, huy chương, giải thưởng và thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó.
Đơn vị này còn thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm khác không phải thuốc có tác dụng để phòng, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người, khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất và Thương mại Mỹ phẩm Lê Vân. Ảnh: Báo Đại Biểu Nhân Dân.
Ngoài phạt tiền, Mỹ phẩm Lê Vân còn bị tước quyền sử dụng Giấy Chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm 2 tháng; buộc nộp lại số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm 001715/21/CBMP-HCM được Sở Y tế cấp ngày 25/5/2021; thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm Dầu massage Đại Lực Hoàng (NSX 22/11/2023, HSD 22/11/2026, LO 01); thu hồi hàng hóa và loại bỏ hình ảnh, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng, huy chương, giải thưởng, thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó.
Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất và Thương mại Mỹ phẩm Lê Vân thành lập ngày 2/4/2014, người đại diện pháp luật là bà Đặng Ngọc Chúc.
Bà Đặng Ngọc Chúc còn đại diện các doanh nghiệp: Chi nhánh Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Mỹ phẩm Lê Vân; Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Doctor.DC; Công ty TNHH MTV Thương mại DC-GV; Công ty TNHH Thương mại DC-KG.
Mỹ phẩm Lê Vân có nhãn hàng mỹ phẩm Humnile với nhiều sản phẩm khác nhau như: Ủ mặt Thảo dược Herbal Mask, Sữa tắm Cherry Blossom, Kem đông y Luxury … Trong đó, Dầu massage Đại Lực Hoàng được xem là sản phẩm chủ lực của Mỹ phẩm Lê Vân.
Công ty Mỹ phẩm Lê Vân bị yêu cầu nộp lại Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm số 001715/21/CBMP-HCM, do Sở Y tế cấp ngày 25/5/2021.
Quảng cáo là “thần dược” trên mạng
Khảo sát ngày 21/2, Fanpage Facebook có tên “HumnileGroup” đăng nhiều bài viết kèm hình ảnh quảng cáo về các sản phẩm mỹ phẩm Humnile, trong đó Kem đông y Luxury được quảng cáo là “thần dược”.
Website https://dailuchoang.com quảng cáo nhiều hoạt động khám bệnh miễn phí tại Trung tâm Cơ xương khớp Lê Dũng, trong đó có giấy, dấu chứng nhận cấp cho Mỹ phẩm Lê Vân.
Trang web có địa chỉ https://coxuongkhopdlh.com quảng cáo “Điều trị cơ xương khớp tại Công ty Mỹ Phẩm Lê Vân” với nội dung: “Phương thức điều trị bệnh bằng dầu xoa Đại Lực Hoàng cổ truyền, massage, bấm huyệt, xoa bóp trực tiếp lên vùng bị tổn thương giúp thông quan mạch máu, thần kinh giúp các cơ quan cảm thụ tạo nên những thay đổi về thần kinh - nội tiết - thể dịch và nâng cao nâng thể lực của hệ thần kinh giúp nâng cao sức khỏe và chữa dứt điểm các tình trạng bệnh lý”…
Trên những trang thương mại điện tử Lazada, Shopee…, sản phẩm mỹ phẩm Dầu massage Đại Lực Hoàng vẫn được rao bán với giá từ 259.000 đồng đến 470.000 đồng (tùy theo dung tích).
Quảng cáo “điều trị cơ xương khớp tại Công ty Mỹ phẩm Lê Vân” trên website https://coxuongkhopdlh.com. Ảnh chụp màn hình.
Chị Lê Thị Hồng Hạnh (ngụ huyện Nhà Bè, TP HCM) cho biết, dùng dầu xoa bóp Đại Lực Hoàng không giống như quảng cáo trên mạng.
Cách đây 3 tháng, do bất cẩn, chị bị trượt té tại vũng nước đọng trước nhà, mắt cá chân sưng tấy. Chị lên mạng tìm mua dầu nóng để xoa, thấy Đại Lực Hoàng quảng cáo điều trị cơ xương khớp nên mua về dùng.
“Tôi thật sự thất vọng vì dầu không nóng, tình trạng tổn thương ở chân không cải thiện. Dầu xoa bóp Đại Lực Hoàng bị thu hồi, tiêu hủy, tôi không biết có ảnh hưởng sức khỏe không?”, chị Hạnh lo lắng.
Bán mỹ phẩm thu hồi bị phạt 15 - 30 triệu đồng
Về mặt pháp lý, từ quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Sở Y tế TP HCM, luật sư Nguyễn Văn Lập (Đoàn Luật sư TP HCM) dẫn khoản 1, khoản 2, Điều 50, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo đó, phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng đối với hành vi sản xuất mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng, không an toàn cho người sử dụng; buộc tiêu hủy mỹ phẩm đối với hành vi quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 50; kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các hành vi quy định tại điểm b, điểm c Khoản 1 điều này.
Trường hợp cố tình kinh doanh mỹ phẩm đã bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thông báo thu hồi do vi phạm quy định của pháp luật sẽ bị phạt từ 15 triệu đến 30 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ mỹ phẩm đối với tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường (khoản 2, Điều 51, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Anh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Tâm Anh TP HCM, cho hay, không ít người có thói quen xoa dầu, dán cao vào chỗ đau; sử dụng các loại thuốc lá cây băm nhuyễn đắp lên khu vực bị đau nhức xương khớp hoặc dùng thuốc chống viêm, giảm đau “vô tội vạ”.
Theo bác sĩ Trần Anh Vũ, không nên xoa bóp dầu nóng, dán cao khi bị đau khớp kèm theo hiện tượng sưng tấy vì nóng sẽ làm tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, nếu tại khớp bị đau có vết thương hở cũng không nên áp dụng phương pháp này, bởi dầu nóng thẩm thấu sâu vào bên trong da khiến vết thương lâu lành, đôi khi còn bị kích ứng gây phồng rộp da, bỏng da.
Bác sĩ Vũ khuyến cáo, đối với thuốc giảm đau không kê đơn, người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ liều lượng ghi trên bao bì hoặc hướng dẫn của dược sĩ. Với thuốc kê đơn, ngoài việc uống theo đúng liều mà bác sĩ chỉ định, người bệnh không được bỏ ngang hay tự ý đổi thuốc. Riêng các bài thuốc Đông y, bệnh nhân nên trực tiếp đến những nhà thuốc uy tín để mua, tránh mua online.