Thời gian gần đây, phim Chị đẹp mua cơm ngon cho tôi (tên gốc: Pretty Noona Who Buys Me Food) rất được khán giả Việt quan tâm, yêu thích. Phim kể về tình yêu ‘vụng trộm’ giữa nhân vật Yoon Jin-ah và cậu em Seo Joon-hee.
Trong hai tập mới nhất, Yoon Jin-ah gặp nhiều rắc rối vì tình cũ của mình là Lee Gyu-min. Song nhiều người tin rằng rào cản lớn nhất đang đợi cả hai phía trước chính là nhân vật Kim Mi-yeon, mẹ của nữ chính. Bà Kim là hình mẫu phụ nữ bảo thủ điển hình của Hàn Quốc. Các bậc phụ huynh ở Việt Nam cũng ít nhiều thấy hình bóng mình trong đó.
Luôn càm ràm nhưng không quan tâm đến cảm xúc của người nghe
Nhân vật Kim Mi-yeon giống với phần lớn những bà mẹ ở điểm nói rất nhiều. Bà càm ràm về mọi thứ, từ chuyện ăn uống, đi đứng đến đời tư của chồng, con. Thậm chí cả những người ngoài gia đình.
Bà Kim thường viện lý do rằng mình nói đúng và nói nhiều là vì quan tâm đến người khác. Tuy nhiên thực tế việc càm ràm chưa bao giờ đồng nghĩa với quan tâm mọi người. Khoan bàn đến những phát ngôn đó đúng hay sai, chỉ tính riêng việc 'bà đay đi đay lại' nên được hiểu là một kiểu ‘bạo hành’ tinh thần người nghe.
|
Bà Kim nói để thoả mãn mình mà không hề quan tâm người đối diện đang trong trạng thái nào. |
Bà nói để thoả mãn bản thân nhưng không quan tâm đến cảm xúc của người nghe. Trong tập 3, nhân vật Jin-ah đang ở ngưỡng căng thẳng quá tải bởi áp lực công việc và bị bạn trai cũ ‘cắm sừng’.
Thấy Jin-ah thường xuyên say xỉn và đi sớm về trễ, bà Kim cho rằng con gái đổ đốn hư hỏng nhưng không bao giờ nhận ra cô đang gặp vấn đề. Bà đã đuổi theo con vào tận phòng riêng để chì chiết, nhiếc móc đến mức một người nổi tiếng luôn chịu đựng (biệt danh của Jin-ah ở công ty là “Yoon dễ dãi” chỉ việc cô luôn chấp nhận những xử sự bất công đối với mình) cũng phải cãi lại.
Trong tập 5, bà Kim tiếp tục huyên thuyên bất tận quan điểm của mình dù chồng và con trai đã chán chường ra mặt. Kết quả là cả hai bỏ đi chỗ khác, bỏ cả bữa sáng. Hoặc trong bữa cơm gia đình thân mật ở tập 6, Jin-ah phải kêu lên: “Nếu mẹ còn tiếp tục, con sẽ về phòng đấy”. Phản ứng có phần bất lực của chồng và con không hề làm bà Kim mảy may chột dạ hay nghĩ lại.
Tư tưởng bảo thủ, trọng địa vị, vật chất
Điều gây khó chịu nhất ở nhân vật Kim Mi-yeon chính là việc ‘thao thao bất tuyệt’ quan điểm bảo thủ của mình. Bà Kim luôn cằn nhằn việc Jin-ah 36 tuổi nhưng chưa lập gia đình.
Song không phải vì hạnh phúc của con gái, thứ bà quan tâm là gia thế của bên thông gia để bà có thể nở mày nở mặt. Những người bạn của bà đã kết thông gia với nghị sĩ quận hoặc thống đốc ngân hàng. Mỗi lần gặp bạn cũ, họ đều khoe khoang khiến bà bẽ bàng. Cảm giác ganh tỵ ngày một lớn nên bà trút hết oán trách lên cô con gái gần 40 tuổi nhưng chưa lấy chồng.
Khi biết Gyu-min (bạn trai cũ của Jin-ah) là luật sư của một văn phòng lớn lại xuất thân từ gia đình trí thức danh tiếng, bà Kim tìm mọi cách để con gái và anh này thành đôi. Với bà, Jin-ah may mắn lắm mới có bạn trai hoàn hảo như Gyu-min. Khi biết Gyu-min ngoại tình, bà vẫn đề nghị Jin-ah bỏ qua, nhất mực bám víu lấy cơ hội kết thông gia cùng bố mẹ anh này.
Hay ‘tin hành lang’ Jin-ah đi công tác cùng một phó giám đốc trẻ đẹp, bà Kim vui mừng đến run rẩy. Nhưng khi biết chàng trai trẻ đẹp theo lời hàng xóm là Joon-hee thì bà thất vọng ra mặt.
Khao khát được ngẩng cao đầu từ việc kết thân với những gia đình quyền thế bộc lộ ở bà Kim mọi lúc mọi nơi. Hai chị em Kyung-seon và Joon-hee là bạn thân nhất của Jin-ah và Seung-ho.
Dù luôn miệng gọi cả hai là “thành viên trong gia đình”, xem như “con ruột” nhưng trong thâm tâm, bà nhiều lần kì thị gia cảnh đổ vỡ của chị em Joon-hee. Bà cũng không muốn hai con mình quá thân thiết với chị em nhà Seo. Theo bà, Seung-ho học cao hơn Joon-hee.
Bà cũng bộc lộ tư duy phong kiến, trọng nam khinh nữ nặng nề. Trái với việc thường xuyên mắng mỏ con gái là đồ vô dụng, bà lại rất yêu chiều, nâng niu cậu con trai Seung-ho. Bà gọi cậu là “trụ cột gia đình”, “chiêu bài duy nhất của gia đình”, “cả nhà này chỉ trông cậy hết vào con”...
Tư tưởng của mẹ khiến Seung-ho không tôn trọng Jin-ah dù thực tâm cậu rất thương chị.
Phát ngôn “Đầu óc thông minh thì sao lại học trường mỹ thuật chứ?” cũng là quan điểm còn phổ biến ở Việt Nam. Không ít người tin rằng làm việc 8 tiếng/ngày tại văn phòng mới là công việc ổn định. Còn làm nghệ thuật hoặc những công việc thời gian tự do là không ổn định, nay đây mai đó.
Bất chấp xen vào đời tư của người khác, tâm lý đổ lỗi thường trực
Nhân vật Kim Mi-yeon cũng rất quen thuộc với việc cố can thiệp vào đời tư của người khác. Nghi ngờ con gái cãi nhau với bạn trai, bà tự ý mời Gyu-min đến dùng cơm tại gia để tạo cơ hội cho đôi trẻ “hoà giải”.
Bà luôn can thiệp việc Jin-ah yêu ai, lấy ai, thậm chí kết bạn với ai. Chính tư tưởng chi phối mọi thứ của con cái mà bà Kim trở thành chướng ngại vật lớn nhất đối với tình yêu của Jin-ah.
Tuy vậy, bà Kim chưa bao giờ nhận trách nhiệm trong việc gây ra phiền toái cho người thân. Sau mỗi rắc rối ập đến những người trẻ, phản ứng thường trực của bà là đổ lỗi. Khi biết Jin-ah chia tay Gyu-min, bà quy kết tại chồng vừa lên làm sếp đã về hưu khiến mọi người coi thường gia đình mình.
Dù chỉ là nhân vật phụ nhưng Kim Mi-yeon quả là bà mẹ bảo thủ điển hình của Hàn Quốc lẫn Việt Nam. Các phụ huynh Việt muốn văn minh, hãy tránh những tư tưởng và tính cách của mẹ ‘Chị đẹp’ trong bộ phim này.