Chồng tôi xuất khẩu lao động đi Đức khi tôi 25 tuổi, con trai vừa tròn 3 tuổi, con gái 1 tuổi. Kinh tế gia đình khi ấy rất chật vật, chúng tôi phải vay mượn tiền bạc từ anh em họ hàng, mỗi người cho vay 1-2 chỉ vàng đều tính lãi sòng phẳng.
Ở quê, tôi làm ruộng, chăn nuôi, nấu rượu, làm việc luôn chân tay để khuây khỏa nỗi nhớ chồng. Năm đầu sang Đức, anh làm đủ thứ việc: trông kho, giao hàng, phục vụ quán ăn. Anh chi tiêu dè sẻn từng đồng để có tiền gửi về quê. Sau đó, may mắn anh gặp được anh bạn đồng hương tốt bụng giúp đỡ, cho làm nhân viên bán hàng tại cửa hàng đồ lưu niệm.
|
Ảnh: Daily Express |
Ba năm ở Đức, anh có kinh nghiệm buôn bán, tự thuê một gian hàng trong chợ chuyên bán đặc sản Việt Nam. Tính tình xởi lởi, chân thật nên anh có nhiều khách hàng ruột, doanh thu trở nên đều đặn.
Tiền anh gửi về, tôi trả hết nợ nần và gửi tiết kiệm ngân hàng. Một phần nhỏ còn lại, tôi đầu tư cho các con ăn học đàng hoàng để sau này có tương lai.
Mẹ chồng tôi nổi tiếng là sắc sảo, khó tính. Bố chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi 3 người con trưởng thành. Chồng tôi đi xuất khẩu lao động cũng do một tay bà lo liệu, huy động vay mượn anh em. Vì vậy, chồng tôi gửi tiền về cho vợ nhưng đều thông báo chi tiết từng đồng với mẹ. Hễ thấy tôi mua sắm xông xênh là bà đay nghiến nặng nề, bà nói tôi đang ăn không ăn hỏng những đồng tiền xương máu mà con trai bà làm ra.
Sau đó, không biết bà nói sai lệch những gì mà chồng tôi không gửi tiền cho tôi cầm nữa. Anh yêu cầu tôi đưa sổ tiết kiệm cho mẹ chồng và chỉ gửi khoản vừa vặn cho mẹ con tôi chi tiêu.
Tôi tìm hiểu lý do nhưng chỉ biết, mẹ chồng tôi kể với mấy bà hàng xóm xung quanh là tôi còn trẻ trung xuân sắc, vắng chồng lại sẵn tiền, dễ thay lòng đổi dạ.
Thảo nào, chỉ cần thấy tôi chải chuốt ăn diện đi gặp bạn bè là bà mắng xơi xơi, nhất quyết bắt ở nhà trông coi bọn trẻ. Bà còn khiến tôi không dám giao du với bạn bè, chỉ biết đến gia đình, con cái.
Hết hạn đi Đức 5 năm, chồng tôi không về nước mà kiếm cách ở lại. Anh động viên tôi vờ ly dị để anh kết hôn với một cô gái Việt bên ấy, sau này sẽ lo cho vợ con sang Đức đoàn tụ.
Mẹ chồng tôi giục giã tôi đồng ý, bà nói muốn đổi đời thì phải chịu hi sinh. Tôi nghe kế hoạch chồng đưa ra, bùi tai nên ký ngay đơn ly dị.
Anh kết hôn giả mà có con thật. Cô vợ anh có lần còn giật điện thoại của chồng tôi, gọi về mắng tôi xối xả. Tôi chết điếng người, không ngờ mình lâm vào cảnh éo le này.
Khi con trai 18 tuổi, chồng tôi làm thủ tục bảo lãnh con sang Đức. Anh làm liên hoan linh đình 20 mâm mời cả họ.Trong bữa liên hoan, anh tuyên bố hùng hồn, bao năm vất vả xứ người cũng chỉ để lo cho vợ con sung sướng.
Đến khi bay sang Đức, anh tặng tôi và con gái sổ tiết kiệm 300 triệu để lo cho con ăn học. Anh dặn tôi ở nhà chăm lo mẹ già, chắc chắn anh sẽ gửi tiền về cho tôi.
Tuy nhiên, mỗi năm, anh cũng chỉ gửi về cho tôi 40 triệu, coi như trả công tôi chăm sóc mẹ chồng. Còn anh, vẫn lý do nọ lý do kia và chưa thể ly dị được cô vợ Việt…
Tôi đau khổ nhưng cũng đành chấp nhận cách anh đối xử với tôi như thuê một người giúp việc, vì với tôi chẳng còn sự lựa chọn nào khác.
Bạn tôi, hai vợ chồng bán thịt lợn 15 năm nay, họ xây được nhà 3 tầng, lo cho con cái ăn học đàng hoàng. Tôi có chồng Việt kiều nhưng vẫn ở nhà cũ, một mình nấu rượu đổ rượu cho các hàng quán. Sai lầm nhất trong đời tôi là luôn nghe theo sự sắp xếp của chồng và mẹ chồng.
Nhiều người khuyên tôi nên dứt áo ra đi, làm lại cuộc đời. Nhưng tôi không dám tin bất cứ người đàn ông nào nữa...