Giấc ngủ rất quan trọng đối với mọi lứa tuổi. Nguồn: OTIV.
Theo tờ Yomiuri Shimbun, “Hướng dẫn về giấc ngủ để nâng cao sức khỏe” do Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản soạn thảo, nêu ra nhiều thời lượng ngủ được khuyến nghị khác nhau theo nhóm tuổi. Cụ thể, người lớn nên ngủ ít nhất 6 giờ mỗi ngày, đồng thời cảnh báo việc sử dụng ngày nghỉ nhằm bù đắp tình trạng thiếu ngủ vào các ngày trong tuần có thể khiến sức khỏe bị tổn hại.
Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng khuyến cáo người cao tuổi không nên ngủ quá 8 giờ hoặc ngủ trưa quá lâu vì việc đó làm tăng nguy cơ tử vong.
Cũng theo hướng dẫn mới, học sinh tiểu học nên ngủ từ 9 đến 12 giờ, và học sinh trung học nên ngủ từ 8 đến 10 giờ. Hướng dẫn còn chỉ ra rằng tình trạng thiếu ngủ ở trẻ em đã được cho rằng sẽ dẫn đến béo phì, trầm cảm và kết quả học tập kém. Theo từng nhóm tuổi thì cần ngủ từ 11-14 giờ đối với trẻ từ 1 đến 2 tuổi; 10 -13 giờ đối với trẻ từ 3 đến 5 tuổi.
Cũng theo hướng dẫn này, tập thể dục, như đi bộ và tắm trước khi đi ngủ từ một đến hai giờ sẽ giúp mọi người ngủ ngon hơn, và giữ phòng ngủ càng tối cũng sẽ giúp ngủ ngon.
Người Nhật ngủ trung bình 7 giờ 22 phút mỗi đêm, ngắn nhất trong số 33 quốc gia được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế khảo sát vào năm 2023. Chính vì do thiếu ngủ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về não, tim mạch và trầm cảm, nên Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã quyết định đưa ra tiêu chuẩn cho việc cải thiện giấc ngủ.
Trong khi đó, theo thông tin từ trang web của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi ngày trẻ từ 6 - 12 tuổi nên ngủ từ 9 - 12 giờ; từ 13 - 18 tuổi nên ngủ từ 8 - 10 giờ. Người từ 18 - 60 tuổi nên ngủ ít nhất 7 giờ/đêm. Người từ 61 - 64 tuổi nên ngủ từ 7 - 9 giờ và người từ 65 tuổi trở lên nên ngủ từ 7 - 8 giờ.
Cũng theo CDC, mất ngủ kéo dài sẽ làm giảm khả năng hoạt động của hệ miễn dịch, khiến con người dễ bị bệnh hơn. Mất ngủ cũng tác động xấu đến sức khỏe tim mạch, nguy cơ mắc bệnh mạch vành hoặc đột quỵ sẽ tăng lên. Cùng đó mất ngủ triền miênh có thể làm giảm khả năng suy nghĩ của não bộ, ảnh hưởng đến trí nhớ và có thể dẫn đến tăng cân béo phì.
(*Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại).