Bà Thanh làm mẹ đơn thân nuôi con gái từ khi còn trẻ. Chồng bà hồi trẻ có tính lăng nhăng. Sau khi có vợ có con, vẫn thậm thụt qua lại với người đàn bà khác và bị bà bắt quả tang.
Mặc dù Nhung, con gái bà, khi đó còn nhỏ nhưng bà Thanh quyết ly hôn người chồng phản bội và giữ quyền nuôi con. Từ đó, bà lao vào làm ăn để đảm bảo cuộc sống cho hai mẹ con. Nhờ năng động, có đầu óc kinh doanh, sự nghiệp của bà càng làm càng lớn. Bà không chỉ lo được cuộc sống vật chất đầy đủ cho con gái học hành tử tế, còn ngầm tích lũy được rất lớn tài sản.
Dù sau này cũng có vài người đánh tiếng muốn "góp gạo thổi cơm chung" với bà nhưng lo đi bước nữa con gái chịu khổ và cũng không muốn chịu cảnh "con anh con tôi" nên bà cứ ở vậy một mình.
Có lẽ do làm mẹ đơn thân tính cách quá mạnh nên Nhung con gái bà Thanh tính tình rất nhu mì, hiền hòa. Nhà khá giả nhưng cô không đua đòi mặc dù được mẹ chiều hết mực. Cô bé ngoan ngoãn, học giỏi và rất nghe lời mẹ khiến bà Thanh cảm thấy mình hy sinh vì con là đáng giá.
|
Bà Thanh đứt ruột khi biết con đi lấy chồng phải chịu khổ. Ảnh minh họa |
Tới tuổi kết hôn, Nhung yêu và cưới một người đàn ông hơn cô 5 tuổi. Thật ra bà Thanh không vừa ý lắm vì cậu này tuy cũng tốt, học vấn cao nhưng gia đình cậu ta có vẻ nề nếp đến cũ kĩ.
Những lần tiếp xúc với gia đình bên kia, bà Thanh thấy toàn ông chồng nói, bà vợ trước mặt người ngoài thường không phát biểu ý kiến của mình, chỉ thỉnh thoảng phụ họa chồng. Các đứa em trong nhà đi lại rón rén, sợ gây tiếng động, thưa gửi khoanh tay như trẻ con vậy.
E ngại con gái mình sẽ khó sống khi phải làm dâu trưởng ở nhà chồng bản khắc như vậy, bà Thanh đã từng phản đối hai người.
"Nhà nó phong kiến, cũ kĩ thế, con lại được mẹ yêu chiều lớn lên thì lấy nó về chỉ có chịu khổ thôi. Mẹ thấy nhà đó có vẻ trọng nam khinh nữ, con về làm dâu thì chỉ có nước bị khinh bỉ thôi. Mẹ không bằng lòng đâu".
Nhưng trái với mọi lần nghe lời mẹ, Nhung đã quyết liệt với mẹ để giữ lại tình yêu của mình.
Cô lý sự: "Nhà anh ấy gia giáo nề nếp, lại sống có tôn ti trật tự thì có gì không tốt? Con thấy mẹ anh ấy ở nhà cũng có toàn quyền quyết định việc nội trợ nhà cửa chứ không bị khinh bỉ đâu. Việc lớn bên ngoài bác ấy không rõ nên mới để chồng ra mặt thôi".
Ngăn cản không được con, sợ làm căng ảnh hưởng đến tình cảm mẹ con, bà Thanh đành để cho hai người làm đám cưới.
Sau ngày kết hôn, Nhung bận việc gia đình riêng nên thỉnh thoảng mới về thăm mẹ. Bà Thanh có dò hỏi việc gia đình thì cô đều nói là tốt, mọi người sống tình cảm, nên bà cũng hơi yên tâm.
Được hơn 1 năm, bà Thanh bỗng nghe tin con gái phải nhập viện do bị suy nhược cơ thể. Tại bệnh viện, trước những lời truy hỏi của mẹ, Nhung mới nói sự thật về cuộc hôn nhân "tốt đẹp" của mình.
Bà Thanh lúc này mới biết, hóa ra, suốt thời gian qua, con gái bà sống không hề vui vẻ hạnh phúc như vẫn tỏ ra bên ngoài.
"Gần một năm làm dâu cho gia đình ấy là chuỗi ngày mệt mỏi. Bà mẹ chồng con mang tư tưởng phong kiến hà khắc, cổ hủ.
Từ ngày đầu về làm dâu, bố mẹ chồng đã ra quy định cho hai vợ chồng phải đi đến nơi về đến chốn, không được ở lại hay la cà bên ngoài, nhất là con dâu mới. Thỉnh thoảng hai vợ chồng muốn đi chơi, ăn bên ngoài cho lãng mạn một chút cũng sẽ nhận được lời chì chiết "Cái loại con cái gì mà cứ vác mồm đi ăn hàng bên ngoài, bỏ mặc bố mẹ ở nhà", "có giỏi thì cứ đi suốt đi, đừng về"…
Nếu chẳng may bận việc, về muộn chút là mẹ chồng lại bảo: "Đàn bà hết giờ làm phải về còn lo cho chồng cho con. Làm nhiều thế để thành tỷ phú à?"
Dù con đi làm kiếm tiền, bình đẳng với chồng trong việc thu nhập, nhưng khi trở về nhà lại phải lo tất cả các công việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa. Chồng con muốn giúp vợ làm việc, mẹ chồng cũng không cho, mặt nặng mặt nhẹ, nói ra nói vào", Nhung khóc kể với mẹ.
Thế mới biết, con gái bà thỉnh thoảng mới về nhà không phải do bận việc mà do lần nào nó về, mẹ chồng cũng tỏ ra khó chịu, nói nó không lo việc nhà chồng, suốt ngày chỉ nghĩ đến về nhà ngoại.
Chồng nó thì lại chỉ biết khuyên vợ thông cảm bởi "tính mẹ thế, nói xong là quên ngay, hơi ác khẩu nhưng không có lòng dạ gì đâu. Em cứ nhịn xuống, lựa theo tính mẹ là yên ngay ấy mà".
Bố chồng Nhung thì mặc kệ mọi chuyện trong nhà kiểu "chồng đối ngoại, vợ đối nội". Khi nào bà làm ầm ĩ quá thì ông chỉ nói mỗi câu "Chúng mày làm gì để mẹ tức giận thế. Cứ theo ý mẹ mày có phải là yên nhà yên cửa không? Con cái gì mà bướng thế!".
Hai vợ chồng vừa mới lấy nhau, bà mẹ chồng đã chăm chăm theo dõi con dâu lúc nào mang thai. Cứ đi chùa hay đi lễ đâu về là bà ta lại xin bùa xin xăm sinh con trai cho con trai con dâu về để trong ví lấy may.
Mới được 1 năm chưa thấy con dâu có "tín hiệu" gì, bố mẹ chồng Nhung đã sốt ruột ra mặt. Mở mồm ngậm miệng đều là "làm dâu trưởng phải sinh con trai để nối dõi tông đường" khiến Nhung vô cùng áp lực.
Chịu ấm ức là thế, nhưng Nhung không dám kể với bà Thanh do hồi trước cô không chịu nghe lời mẹ, quyết lấy chồng theo ý mình, còn buông lời nói "về sau sướng khổ con chịu, mẹ cứ mặc kệ con". Giờ hôn nhân không thuận, cố xấu hổ không dám kể với mẹ.
Cứ như vậy, cuộc sống ngột ngạt, căng thẳng khiến Nhung gần như trầm cảm, ăn không ngon, mất ngủ khiến người suy nhược phải nằm viện. Đến lúc này, sự thật mới không giấu được nữa.
Lúc Nhung còn đang nằm viện, bà mẹ chồng cũng đến thăm. Trước mặt thông gia, bà ý tứ trách con dâu giữ dáng, sợ béo, không chịu ăn cơm nên mới suy nhược cơ thể. Bà tỏ vẻ không hài lòng vì người gầy không dễ mang thai sinh con, ảnh hưởng đến thế hệ sau.
"Các chị ấy bây giờ cứ theo mốt nọ mốt kia, sợ béo nên nhịn ăn đến ốm người đi. Tôi nói mãi không nghe nên giờ mới thế này. Ốm yếu nằm viện, việc nhà việc cửa không lo được, còn khiến người khác phải mất công mất việc đi chăm sóc. Sau này có chồng con thì làm thế nào? Bà cũng nhắc cháu nó chú ý một tí!", bà mẹ chồng tỏ vẻ tận tình khuyên giải.
Đến nước này thì bà Thanh không nhẫn được nữa: "Con tôi nuôi từ nhỏ cho đến lớn bằng này. Bao năm nâng niu chiều chuộng sống quen rồi. Tuy nó không giỏi chăm sóc cả đại gia đình nhưng tiền lương cao, không làm được thì thuê người giúp việc. Chứ để nó lao tâm lao lực đến phát ốm phải nằm viện thế này thì mất nhiều hơn được".
Bà mẹ chồng Nhung sững sờ, không nghĩ bà thông gia ngày thường cười nói khéo đưa đẩy lại trực tiếp đến thế. Bà ta buông lời nói gắng gượng rồi tỏ vẻ không hài lòng đi về.
Còn bà Thanh thì nghiêm túc nới với con gái: "Việc đến nước này mẹ để con toàn quyền quyết định đi hay ở. Mẹ nghĩ phụ nữ thời hiện đại rồi, cần phải có chủ ý rõ ràng. Mẹ ở vậy nuôi con ăn học, khôn lớn bằng này, không phải để con sống uất ức. Kinh tế nhà mình người ngoài không biết, chứ con rõ ràng mẹ có thể lo cho hai mẹ con mình một cuộc sống đầy đủ đến hết đời, không cần dựa dẫm ai.
Nếu con muốn tiếp tục cuộc hôn nhân này thì cần thiết ra ở riêng, chuyện nhà cửa để mẹ lo.
Còn nếu lựa chọn ra đi, con cần nhớ lấy bài học này. Sau này yêu và lấy ai thì cần nhìn cho rõ người nào mới thích hợp với mình. Yêu là chuyện của hai người nhưng kết hôn lại là chuyện của hai gia đình".