Mẹ F0 cho con bú: BS hướng dẫn cách tránh lây virus cho trẻ

Google News

Theo khuyến cáo của WHO, hiện không có bằng chứng cho thấy COVID-19 truyền qua sữa mẹ.

Mẹ F0 cho con bú có được không?

BS. Nguyễn Thanh Sang, BV Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua tìm hiểu và tham khảo các nguồn thông tin chính thống của Tổ chức y tế thế giới (WHO), Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và nguồn CDC Hoa Kỳ đều ghi nhận các bà mẹ vẫn NÊN TIẾP TỤC cho con bú mẹ nếu mẹ dương tính với SARS – CoV – 2. Thậm chí ngay cả khi con dương tính nhưng mẹ âm tính thì mẹ vẫn tiếp tục cho con bú. Bởi theo lý giải của các tổ chức uy tín này, họ đã tiến hành quan sát trên nhiều bà mẹ dương tính tiếp tục cho con bú thì ghi nhận lợi ích của sữa mẹ vẫn lớn lơn nguy cơ mẹ lây bệnh cho con.

Me F0 cho con bu: BS huong dan cach tranh lay virus cho tre

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bởi, trong mẹ có đầy đủ nguồn kháng thể tự nhiên dồi dào như: IgG, IgA, IgM, IgD và IgE… Các kháng thể giúp cung cấp sức đề kháng cho trẻ giúp trẻ chống lại những vi khuẩn, vi trùng, siêu vi…

Cũng theo bác sĩ Sang, có 2 vấn đề mà bác sĩ mong muốn các bố mẹ hiểu rõ:

Thứ nhất, khi mẹ dương tính thì nghĩa là mẹ đã lây cho con trong giai đoạn mẹ ủ bệnh trước đó rồi. Nên khi mẹ bắt đầu sốt nghĩa là mẹ đã "lây" cho con từ 5-7 ngày trước đó. Còn con có dương tính hay không là tuỳ vào miễn dịch của con.

Thứ hai, sữa mẹ chứa hàm lượng kháng thể rất cao và là nguồn miễn dịch chính của con trong 6 tháng đầu nên việc ngưng cho bú mẹ sẽ rất thiệt thòi cho con và việc cũng không giúp con không bị nhiễm.

Theo hướng dẫn, bà mẹ và trẻ sơ sinh cần được thực hiện da kề da ngay sau đẻ, được ở cùng phòng cả ngày lẫn đêm nếu tình trạng sức khỏe mẹ cho phép và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ trong vòng 90 phút sau đẻ.

Đối với trẻ sinh non và nhẹ cân thực hiện chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo, cùng với việc thực hiện các biện pháp phòng chống lây truyền cần thiết.

Bà mẹ và người nhà cần được tư vấn về lợi ích của việc da kề da và bú sữa mẹ vượt trội hơn so với những nguy cơ có thể của việc lây truyền Covid-19.

Đồng thời, cần tư vấn trước sinh cách dự phòng việc lây lan virus cho trẻ khi tiếp xúc gần bao gồm:

Me F0 cho con bu: BS huong dan cach tranh lay virus cho tre-Hinh-2

+ Đeo khẩu trang y tế bất cứ khi nào tiếp xúc với trẻ, kể cả khi cho trẻ bú mẹ.

+ Thay khẩu trang y tế ngay khi thấy khẩu trang bị ẩm và loại bỏ ngay vào thùng rác có nắp đậy. Không được tái sử dụng khẩu trang y tế hoặc chạm vào mặt trước của khẩu trang.

+ Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch ít nhất 20 giây hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh có ít nhất 60% cồn, đặc biệt trước khi chạm vào trẻ, chăm sóc trẻ hay cho trẻ bú mẹ.

+ Thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt mà bà mẹ đã chạm vào bằng cách lau chùi bằng dung dịch sát khuẩn.

Bà mẹ mắc Covid-19 không triệu chứng, thể nhẹ và trung bình, cơ sở y tế thực hiện quy trình chăm sóc sơ sinh thiết yếu và chăm sóc thường quy như mọi trẻ em khác. Tùy tình hình, địa phương bố trí trẻ riêng phòng hoặc nằm cách mẹ 2m, nhân viên y tế hỗ trợ mẹ cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn.

Bà mẹ mức độ nặng hơn, nhân viên y tế có thể hỗ trợ mẹ vắt sữa cho trẻ hoặc sử dụng sữa thanh trùng từ ngân hàng sữa mẹ nếu không thể vắt sữa mẹ. Khi mẹ ổn định, trẻ cần được ở chung phòng với mẹ và được bú mẹ sớm.

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 7/2020 cho hay, các chuyên gia của Mỹ và Trung Quốc sau khi tiến hành nghiên cứu mẫu sữa của 1.000 phụ nữ đang nuôi con bú (trong đó có 350 người từng mắc COVID-19) đã phát hiện có kháng thể SARS – CoV -2 trong sữa các bà mẹ nuôi con nhỏ đã từng mắc COVID -19. Số sữa được thu thập trong vòng từ 14 – 30 ngày sau khi các triệu chứng nhiễm virus của các bà mẹ đã suy yếu. Các nhà khoa học đã tìm ra 80% sữa của những người phụ nữ này có kháng thể IgA, và một phần nhỏ các kháng thể khác như IgG và IgM. Các kháng thể này giúp bảo vệ đứa trẻ khỏi bị lây nhiễm virus.

Theo Vũ Ngọc/Khoevadep

>> xem thêm

Bình luận(0)