Bà Mão có 3 người con dâu, mỗi người 1 hoàn cảnh khác nhau, nhưng bà không thích Hòa nhất.
Bởi ngay từ đầu khi Hòa về làm dâu, bà Mão đã phản đối kịch liệt. Bà cho rằng hoàn cảnh nhà cô không tương xứng. Hòa lại ít học, chỉ hết cấp 3 là đi làm. Chính vì có thành kiến như vậy nên Hòa có làm gì cũng thành cái gai trong mắt mẹ chồng. Đi đâu bà cũng nói Hòa không biết ăn ở, hay cãi trả.
Trong mắt bà Mão, Hòa chính là người cản trở đường làm ăn của con trai bà. Nếu như thằng út lấy đúng cô gái mà bà làm mối, chắc chắn sẽ khác.
Các chị dâu cũng khinh thường vợ chồng Hòa ra mặt. Nhà cô nghèo nhất trong mấy anh em. Mỗi lần có cỗ chạp thì đều góp phần ít hơn. Có lần chị dâu cả còn cà khịa: "Nhà em út góp cũng như không mà lại tha 5 miệng sang ăn".
Ở xa lâu lâu mới về, vợ chồng anh chị thường biếu mẹ chồng Hòa quà lớn quà nhỏ. Có của "đút lót" như vậy nên tất tật việc cỗ bàn đều do vợ chồng Hòa cáng đáng. Ăn xong các chị dâu ngồi trên nhà thảnh thơi uống nước, chỉ có mẹ con Hòa là ngồi dọn dẹp, rửa mười mấy mâm bát.
Tháng trước, bà Mão bị tai biến. Con cháu về đưa bà đi bệnh viện nhưng 2 người con cả chẳng ai ở lại, ai cũng có công việc riêng nên về hôm trước hôm sau là lại thu xếp lên Hà Nội.
Lúc này chỉ có Hòa ở lại chăm bà. Vì đau đớn nên bà Mão gắt gỏng rất nhiều, bà cũng mắng chửi cô xơi xơi không cần lý do. Nhưng Hòa luôn im lặng, chăm mẹ chồng tỉ mỉ, chu đáo. Khi hết đau bà Mão mới dần dần nhận ra tấm lòng của cô dâu út này.
Hôm qua, nhân dịp nghỉ Tết dương, 2 con trai của bà Mão cùng con dâu và các cháu trên thành phố về. Vợ con họ chỉ vào xem mẹ chồng thế nào rồi lại ra nhà ngoài nói chuyện inh ỏi. Câu chuyện của họ chính là phân chia tài sản khi bà mất. Bác cả cho rằng sau này bác là người phụ trách phần hương hỏa, giỗ chạp nên cái nhà này thuộc về bác là điều đương nhiên. Nhưng người con thứ 2 lại kể công. Anh ta chính là người góp phần nhiều để xây cái nhà này nên không lý gì căn nhà thuộc về bác cả.
Thế là cả 2 nhà cãi nhau, chả ai chịu ai. Bà Mão nằm trong nhà nghe các con đấu đá, bà đau lòng và đầy bức xúc. Bà gào lên: "Chúng mày cút hết. Tao còn chưa nằm xuống mà chúng mà đã đòi chia nhà tao à? Cút hết, tao chẳng để cho đứa nào".
Nghe mẹ nói vậy ở trong buồng, 2 nhà đó cũng bực bội. Họ cho rằng bà tham của, nằm 1 chỗ rồi mà vẫn giữ khư khư cái nhà. Thế là chẳng ai bảo ai, mọi người đứng dậy đi hết. Họ ra nhà hàng ăn uống với nhau.
Còn mỗi bà Mão nằm buồn bã trong phòng rộng rãi nhưng lạnh lẽo. Nước mắt bà rơi không ngừng vì có những đứa con bất hiếu. 4 bức tường trắng như nhà tù giam bà đến cuối cuộc đời. Nhưng cũng chính nó giúp cho bà biết được bộ mặt thật của các con.
Đang lúc nghĩ bâng quơ như vậy, 1 dáng người bước vào khiến bà Mão bồn chồn. Đó chính là Hoà. Cô nấu cháo nóng rồi mau mải mang sang để mẹ chồng ăn cho nóng. Hòa bón từng thìa cho bà Mão. Trước sự ân cần của con dâu, bà bỗng rơi nước mắt. Bà hối hận về những tháng ngày qua đã đối xử tệ bạc và khinh rẻ cô.
Bà Mão hỏi Hòa: "Thế vợ chồng con không ra nhà hàng ăn với anh chị à?"
Hòa thật thà đáp lại mẹ: "Từ trước tới nay, có bao giờ bọn con được tham gia những bữa ăn đó. Chúng con đến có khi lại làm các bác mất ngon miệng. À chồng con đang đi mua xe lăn cho mẹ. Mai con dẫn mẹ ra ngoài đi lại vài vòng cho thoải mái, chứ ở nhà nhìn 4 bức tường này cũng buồn phiền. Thằng An (con trai Hòa) nó nhận chân đưa mẹ đi dạo mỗi ngày rồi. Mẹ cứ để nó dẫn đi mẹ nhé".
Nghe những lời chân chất, mộc mạc từ con dâu út mà bà Mão bỗng bật khóc nức nở. Vậy mà 10 năm qua bà luôn coi cô là đứa chẳng ra gì. Những gì cô làm bà đều gạt hết công lao. Căn nhà này nếu 2 con lớn góp của thì con út lại là người góp công nhiều nhất. Chồng Hòa còn nghỉ cả việc để tiện chăm nom, và điều động công thợ. Suốt 4 tháng làm nhà, anh không 1 ngày nào được nghỉ ngơi, suốt ngày quanh quẩn ở đây...
Nuốt từng miếng cháo Hòa đút cho mình, bà Mão rưng rưng nói: "Mẹ xin lỗi con, xin lỗi con thật nhiều".